Lãi nhưng vẫn nợ
Ngân Hàng TNHH Một Thành Viên HSBC (HSBC Việt Nam) là một trong những ngân hàng ngoại tại Việt Nam tập trung vào mảng bán lẻ. Các báo cáo tài chính cho thấy HSBC Việt Nam hoạt động khá hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 982 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 785 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói, với mức lợi nhuận trên, HSBC Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với đơn vị có cùng quy mô vốn - ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (Lienviet PostBank). Cùng kỳ năm nay, Lienviet PostBank chỉ lãi 356 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng HSBC Việt Nam lại có khoản nợ xấu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 của VSD, tại thời điểm cuối kỳ, tổng nợ xấu tại VSD là gần 40,3 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là HSBC khi nợ xấu của ngân hàng này tại VSD lên tới 5,6 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nợ xấu của VSD. Khoản nợ xấu này phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2017.
VSD xác định khoản nợ xấu này của HSBC Việt Nam là giá trị các khoản phải thu quá hạn dưới 6 tháng. Và VSD xác định đây là khoản nợ xấu có thể thu hồi được toàn bộ.
Trong khi tạo nợ xấu cho VSD, HSBC Việt Nam cũng gánh khoản nợ xấu không hề nhỏ. Theo báo cáo tài chính giữa niên độ tóm tắt cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2017 của HSBC Việt Nam, tại thời điểm cuối kỳ, nợ xấu của HSBC là 377 tỷ đồng, giảm so với 429 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2016. Tỷ nợ nợ xấu/tổng dư nợ khá thấp, chỉ là 0,69%.
Bên cạnh đó, nợ quá hạn tại ngân hàng này đạt 796 tỷ đồng, giảm so với 808 tỷ đồng hồi cuối năm 2016. Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ đạt 1,46%.
Ngày 04/02/2013, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn số 101/KTNN-TH đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra, giám sát và có biện phát xử lý nghiêm đối với một số ngân hàng, trong đó có ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam.
Loạt công ty chứng khoán dính nợ xấu
Bên cạnh HSBC Việt Nam, hàng loạt công ty chứng khoán cũng bị bêu tên trong danh sách "nợ xấu". Trong khi nợ xấu của HSBC tại VSD "chỉ" là quá hạn 6 tháng, thì nhiều đơn vị chây ỳ thanh toán trong khoảng thời gian từ 3 năm trở lên.
Cụ thể, trong danh sách "nợ xấu" với giá trị các khoản phải thu quá hạn từ 3 năm trở lên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An đứng đầu với tổng giá trị lên tới 487 triệu đồng. Đứng sau Tràng An là Công ty Cổ phần Chứng khoán SME với 370 triệu đồng và Công ty Cổ phần Chứng khoán Trường Sơn với 134 triệu đồng.
Các công ty khác có số nợ dưới 100 triệu đồng là Công ty Cổ phần Thép Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và xây dựng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga VN, Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông.
Ngoài ra, tất cả các công ty này đều có tên trong danh sách Nợ xấu với các khoản phải thu quá hạn từ 6 tháng tới dưới 2 năm. Danh sách còn được bổ sung bằng các "gương mặt" mới như Công ty Cổ phần Chứng khoán Thủ Đô, Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung.
Hồi đầu kỳ, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS) cũng có khoản nợ xấu hơn 63 triệu đồng tại VSD. Tuy nhiên, tới cuối kỳ, CTS đã thanh toán khoản nợ quá hạn dưới 6 tháng này.
Có thể thấy, đa số các công ty chứng khoán chây ỳ nợ tại VSD đều là những công ty bê bết. Trong năm 2013, chứng khoán Tràng An và Chứng khoán Golden Bridge phải hủy niêm yết. Trong khi đó, SME bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước yêu cầu dừng hoạt động từ năm 2013.
Trước loạt công ty chứng khoán bị xóa sổ, không rõ VSD sẽ thu hồi các khoản phải thu quá hạn này như thế nào.
Bảo Linh