HOSE đưa hàng loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo và kiểm soát

(NTD) - Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 được công bố cũng là thời điểm cổ phiếu các công ty kinh doanh thua lỗ bị Sở Giao dịch Chứng khoán đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, thậm chí hủy niêm yết.

Sàn TP.HCM thuộc dạng cao cấp nhất, thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, đầu ngành niêm yết nhưng hàng năm không ít chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát thậm chí hủy niêm yết khiến nhà đầu tư gần như mất trắng.

Vô số chứng khoán bị cảnh báo, kiểm soát

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra quyết định tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu LAF của Công ty Cổ phần Chế biến Hàng Xuất khẩu Long An (một thành viên của PAN Food) do lợi nhuận lũy kế còn số âm 41,8 tỷ đồng. Từ năm 2013-2017, LAF kinh doanh đều có lãi nhưng vẫn chưa thể xóa lỗ lũy kế 152 tỷ đồng của năm 2012.

Cổ phiếu TCR của Công ty Cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 3/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 69 tỷ đồng. Trong năm 2013, chứng khoán TCR cũng từng bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận âm 59 tỷ đồng.

Mặc dù trong năm 2017, Công ty Cổ phần Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PXT) đạt lợi nhuận 21 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế còn 114 tỷ đồng nên HOSE vẫn giữ nguyên trạng thái cảnh báo đối với cổ phiếu PXT. Hoạt động của PXT khá ì ạch, năm 2013-2014, công ty lỗ liên tiếp 36 tỷ đồng và 160 tỷ đồng khiến cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát trong năm 2015. Từ năm 2015-2017, công ty bắt đầu có lãi nhưng vẫn chưa xóa sạch được lỗ lũy kế nên cổ phiếu vẫn nằm trong diện cảnh báo.

Những tưởng sau khi về tay các ông chủ người Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV) sẽ ăn nên làm ra nhưng cổ phiếu này suýt hủy niêm yết khi năm 2014-2015 đều lỗ 24 tỷ đồng và 25 tỷ đồng. Năm 2016-2017, Savimex kinh doanh có lãi nhưng lỗ lũy kế vẫn còn hơn 24 tỷ đồng và cổ phiếu vẫn nằm trong diện cảnh báo.

Danh sách cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát khá nhiều khiến nhà đầu tư hoa mắt.

Cổ phiếu SCD của Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương bị HOSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 10/4 do lợi nhuận sau thuế năm 2017 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2017 là âm 3 tỷ đồng.

Cổ đông của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) thở phào nhẹ nhỏm vì cổ phiếu này bất ngờ thoát khỏi án hủy niêm yết treo lơ lửng trên đầu khi công ty này lỗ 2 năm liên tiếp 2015-2016 và 3 quý đầu năm 2018 đều báo lỗ. Bất ngờ đến từ quý 4 khi công ty báo lãi sau thuế gần 242 tỷ đồng giúp xóa lũy kế trong 3 quý đầu năm để cả năm 2018 lãi 11 tỷ đồng.

Danh sách cổ phiếu cảnh báo còn dài khi có JVC (Thiết bị Y tế Việt Nhật), VHG (Đầu tư Cao su Quảng Nam), CMX (Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cà Mau), PTC (Đầu tư và Xây dựng Bưu điện), HAS (Hacisco), PPI (Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương), SGT (Công nghệ Viễn thông Sài Gòn) đều chưa khắc phục được hậu quả. Trong đó, VHG và PPI đều có khả năng chuyển từ cảnh báo sang kiểm soát do năm lợi nhuận sau thuế năm 2017 chưa kiểm toán bị âm lần lượt 1.165 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Các cổ phiếu trên còn may mắn hơn ICF (Đầu tư Thương mại Thủy sản), NVT (Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay), HVG (Hùng Vương), STT (Vận chuyển Sài Gòn Tourist), PTL (Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC), OGC (Tập đoàn Đại Dương), PXI (Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí), CIG (Coma 18), RIC (Quốc tế Hoàng Gia), LCM (Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai), PIT (Xuất nhập khẩu Petrolimex) bị đưa vào diện kiểm soát.

Trong khi đó AGF (Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang), KSA (Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận), CDO (Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị), TTF (Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành), PNC (Văn hóa Phương Nam) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. HVG, AGF, TTF, OGC là những doanh nghiệp lớn, từng là bluechip trên sàn.

Do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định nên cổ phiếu AGF bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 7/3. Vi phạm lỗi tương tự như AGF là KSA bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 22/2.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2017 là số âm 479 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016 cũng là số âm 209 tỷ đồng nên cổ phiếu NVT của Cổ phiếu Công ty Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay vào diện bị kiểm soát từ ngày 3/4/2018.

Các cổ phiếu nằm trong diện kiểm soát đặc biệt sẽ chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Căn cứ vào giải trình của các công ty có cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, HOSE sẽ thông báo về việc cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.

Hủy niêm yết

Tính đến thời điểm hiện tại, sàn HOSE và HNX chỉ duy nhất cổ phiếu TH1 của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam sẽ phải hủy niêm yết từ 20/4 tới đây. Nguyên nhân do công ty đã thua lỗ trong 3 năm liên tiếp 2015-2017. Tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2017 hơn 276 tỷ đồng, đã vượt vốn điều lệ thực góp.

Tuy nhiên, thời gian tới sẽ có nhiều mã chứng khoán bị hủy niêm yết khi báo cáo kiểm toán được công bố vì năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Các cổ phiếu nằm trong diện này có: L44, SDE, KHL, BHT, SAP (sàn HNX) và STT (sàn HOSE).

Khi các cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ tự động giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM. Hiện nay, sàn UPCoM cũng đưa ra nhiều thông báo nhằm cảnh báo cho nhà đầu tư.

Đa số cổ phiếu các doanh nghiệp nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt có giá rất thấp. Việc tham gia đầu tư, nắm giữ nhóm cổ phiếu này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hoạt động của doanh nghiệp bị xấu đi khiến cổ phiếu từ dạng cảnh báo sang kiểm soát, kiểm soát sang hủy niêm yết. Tuy nhiên, trong nguy sẽ có cơ, nếu doanh nghiệp phục hồi, cổ phiếu sẽ tăng giá vài lần.

UPCoM cảnh báo 88 mã chứng khoán

Thị trường UPCoM là nơi tập hợp cổ phiếu hủy niêm yết của HOSE, HNX hoặc chưa đủ điều kiện niêm yết. Ngày 15/3 vừa qua, sàn UPCoM đã cập nhật danh sách cảnh báo nhà đầu tư gồm 13 cổ phiếu có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng, 66 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, và 9 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch (VKP, BAM, KSS, MTM, KTB, PTK, VSP, FBA, BGM).

Các mã bị hạn chế giao dịch là do doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán hoặc soát xét là số âm, hoặc từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm gần nhất, hoặc chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.

Các mã bị đình chỉ giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư hoặc do doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Nguyễn Như

 
Nên đọc