Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 tổ chức chiều ngày 12/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố vừa trải qua một năm 2021 đầy cam go và thử thách chưa từng có với đại dịch COVID-19. Để có được bình yên hôm nay là nhờ có sự đoàn kết, chung sức, trên dưới một lòng, "nhất hô bá ứng", cả nước vì thành phố, doanh nghiệp vì cộng đồng, mọi người cùng nắm tay nhau vượt qua nghịch cảnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, đến với huyện Hóc Môn và Củ Chi, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Phát biểu về định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi trong quy hoạch chung TP.HCM, theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là hai huyện ngoại thành chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của Thành phố; là cửa ngõ kết nối Thành phố với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.
Tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (gọi tắt là Quyết định 24), định hướng phát triển không gian Thành phố đối với khu vực huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là theo hướng phụ phía Tây Bắc: lấy hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Về phân vùng phát triển Thành phố, Quyết định 24 cũng xác định trong địa bàn 2 huyện các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc - nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc Thành phố.
Về trục phát triển, cả hai huyện này nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh - Cách mạng tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan toả từ nội thành hiện hữu; tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh; có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng..., đặc biệt, từ cửa ngõ Hóc Môn ở các hướng theo các tuyến khác nhau về sân bay Tân Sơn Nhất đều ở cự ly khoảng 15km.
Là mối quan hệ “cộng sinh” giữa “vùng công nghệ cao” với “vùng sản xuất công nghiệp” và “vùng nguyên liệu”, giữa “vùng phân phối, tiêu thụ sản phẩm” với “vùng sản xuất sản phẩm”. Do đó, điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố lần này cần đặt sự phát triển của Thành phố trong mối liên hệ chặt chẽ với các tỉnh trong vùng TP.HCM. Tính liên kết phải được chỉ ra ở các góc độ: liên kết về kinh tế; liên kết về phát triển các chức năng của đô thị; liên kết về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với những điều kiện như vậy, định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của Thành phố về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I (Vùng TP.HCM) phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài..., còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị.
Khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh, kết hợp phát triển hài hòa về không gian kiến trúc đô thị hiện đại giữa quy hoạch chức năng khu đô thị mới và chức năng chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hình thành một đô thị đa chức năng có môi trường sống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố hiện nay, các đề án đang được xây dựng như phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, kinh tế dọc sông Sài Gòn, các hội thảo, diễn đàn đóng góp ý tưởng... được tổ chức đã đóng góp nhiều luận cứ, ý tưởng, giải pháp... quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nói chung và huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn nói riêng.
Thông qua Hội nghị, TP.HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương 216.537 tỷ đồng).
Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,302 tỷ USD, tương đương 213,942 nghìn tỷ đồng; 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại - dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và cuối cùng là 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - văn hóa - thể thao.