Giữ hay đổi tên luật?
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật, với phương án 1 là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và phương án 2 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chính phủ lựa chọn phương án 1 với các lý do như: phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...)”; phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên của Liên minh Hợp tác xã quốc tế…
Các ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)… tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việc đổi tên sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các hình thái tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau, mặc dù tên gọi Hợp tác xã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Tuy nhiên, ý kiến khác đề nghị giữ nguyên tên gọi là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Mặc dù dự thảo Luật lần này có mở rộng đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã nhưng trong đó hợp tác xã vẫn là nòng cốt. Nêu vấn đề này, ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đề nghị, nên giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã” như hiện nay. Việc lấy hợp tác xã làm trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác vẫn bảo đảm bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã. Mặt khác, khái niệm “kinh tế hợp tác” là phạm trù rất rộng mà không phải chỉ có trong tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã, mà có trong cả các doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp hợp tác với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân... đều là kinh tế hợp tác. “Bây giờ đang có xu hướng hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, lấy khái niệm này để “gói” vào hai hình thức hợp tác xã và tổ hợp tác là không phù hợp. Về bản chất, hình thức liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã chính là hợp tác xã được mở rộng về quy mô và địa bàn”, đại biểu nói.
Thể chế hóa mô hình liên đoàn hợp tác xã
So với Luật hiện hành, một trong những điểm mới của dự thảo Luật là bổ sung định nghĩa liên đoàn hợp tác xã, bổ sung quy định về thành viên liên đoàn hợp tác xã, quyền và nghĩa vụ của liên đoàn hợp tác xã. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về thành lập, tổ chức, hoạt động, chấm dứt hoạt động của liên đoàn hợp tác xã; thành viên, góp vốn, quyền, nghĩa vụ của thành viên của liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Thống nhất với nội dung này trong dự thảo Luật, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng, cần phải có một điều luật cơ bản trong dự thảo Luật để thể chế hóa mô hình này, làm căn cứ pháp lý về việc thành lập và phát triển các mô hình liên đoàn Hợp tác xã, trên cơ sở đó, giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Đại biểu nêu thực tế, liên đoàn hợp tác xã là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ, hỗ trợ thành viên, vừa là hoạt động như một tổ chức, đại diện của một ngành, lĩnh vực trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng. Việc tổ chức mô hình liên đoàn ở các vùng, các cấp thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các liên đoàn này cũng như các hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác, không giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.
Đại biểu Tráng A Dương cũng cho biết, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều tổ chức hợp tác có quy mô lớn. Tuy nhiên, các tổ chức này hoạt động trên phạm vi cả nước, đang gặp nhiều hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành, như về biểu quyết, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, quỹ sử dụng không chia và tài sản không chia. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ nên giao cho Liên minh Hợp tác xã nghiên cứu, đề xuất quy định thành lập, tổ chức, hoạt động và nội dung phương pháp tổ chức phối hợp với Liên đoàn Hợp tác xã, được thể hiện tại Nghị quyết số 34 Chương trình hành động của Chính phủ và Kết luận số 70 của Bộ Chính trị.
Đại biểu nhấn mạnh, việc thành lập mô hình liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết số 20.
Ngoài chức năng về kinh tế, liên đoàn Hợp tác xã có chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các thành viên cũng tương tự như việc thành lập các tổ chức đại diện của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, ngoài cho phép tổ chức công đoàn cơ sở, người lao động được phép thành lập các tổ chức đại diện của người lao động. Tương tự như việc thành lập các hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực hoặc theo địa giới hành chính của Việt Nam hiện nay thông qua các liên đoàn hợp tác xã, nhà nước có chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển theo từng lĩnh vực, ngành nghề...
Giải trình làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn, đã có nhu cầu thành lập liên đoàn hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn. Mô hình này cũng phổ biến trên thế giới, được thành lập và hoạt động trên một tinh thần chung là tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thành lập và hoạt động của liên đoàn. Vì vậy, việc quy định vấn đề này tại dự thảo Luật nhằm xác định địa vị pháp lý của loại hình này và cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ hướng dẫn, quản lý mô hình này.