Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) đã có cú tăng lịch sử 536% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 - 10/2021. Cổ phiếu HPG đã lập đỉnh 44.270 đồng/cổ phiếu vào 18/10/2021 nhưng sau đó lao dốc không phanh.
Đóng cửa ngày 17/6/2022, cổ phiếu HPG chỉ còn 23.200 đồng/cổ phiếu, giảm 47,6% kể từ khi lập đỉnh. Với mức giảm này, vốn hóa của Hòa Phát bốc hơi 122.518 tỷ đồng, gây thiệt lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư sử dụng margin có thể dẫn đến tình trạng cháy tài khoản.
Tuy nhiên, sự giảm giá của cổ phiếu HPG chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong chu kỳ cổ phiếu giảm giá giai đoạn 3/2018 - 3/2020, cổ phiếu HPG từng giảm 59% nên chu kỳ giảm lần này, lịch sử có thể lập lại. Có nghĩa cổ phiếu HPG có thể giảm giá về vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu.
Sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán không chỉ diễn ra ở Hòa Phát mà còn diễn ra ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như: Vingroup, Vinamilk, Vinhomes, Sabeco… là những doanh nghiệp có vốn hóa bốc hơi hơn 100.000 tỷ đồng kể từ khi cổ phiếu lập đỉnh cho đến thời điểm hiện nay.
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup - CTCP đã giảm giá 41% kể từ khi lập đỉnh 129.850 đồng/cổ phiếu vào 20/4/2021. Vốn hóa của Vingroup đã giảm 203.092 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa bốc hơi lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã giảm 48,1% kể từ khi lập đỉnh 128.530 đồng/cổ phiếu vào 4/1/2018. Vốn hóa của Vinamilk đã giảm 129.222 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes đã giảm 26,6% kể từ khi lập đỉnh 89.930 đồng/cổ phiếu vào 16/8/2021. Vốn hóa của Vinhomes đã giảm 104.200 tỷ đồng.
Cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã giảm 50,6% kể từ khi lập đỉnh 315.550 đồng/cổ phiếu vào 30/11/2017. Vốn hóa của Sabeco đã giảm 102.316 tỷ đồng.