Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các Ngân hàng thương mại (NHTM) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo.
Điều này nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực ĐBSCL.
Các hình thức hỗ trợ được đề cập như mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp, đơn giản hóa thủ tục vay, đa dạng các sản phẩm tín dụng…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết việc hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội được tiếp cận nguồn tín dụng nhưng chưa hoàn toàn thuận lợi.
Tại cuộc họp ngày 12/8, Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp về vấn đề thu mua, xuất khẩu gạo và nông sản.
Tại đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết, nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7/2021 dồn qua thì tháng 8 này, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy vậy theo báo cáo của bên giao nhận, khả năng đi được tối đa chỉ 30.000 - 35.000 tấn. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Theo ông Nam, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cảng đang thiếu công nhân do nhiều địa phương không cho tập trung đông người, phải giãn cách 2m, dẫn tới không bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container; Đơn hàng xuất đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh; xà lan đi từ địa phương lên khó, bị giữ lại, không vào bốc hàng được…
Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với các hệ thống từ cảng, địa phương… để gỡ các ách tắc hiện nay vì chỉ cần 1 khâu trong đó tắc thì nguyên chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng.
Còn theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Phương Đông đề xuất, cần ưu tiên tiêm vaccine đồng loạt cho chuỗi cung ứng lúa gạo. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” kéo dài cũng gặp nhiều khó khăn.
Hay việc doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án "1 cung đường 2 điểm đến" cũng gặp nhiều khó khăn khi thu mua lúa gạo phải vào trong các vùng dân cư nên không kịp về trước 6 giờ tối theo quy định của các địa phương nên đành bỏ lúa ngoài đồng. Do đó cần có giải pháp gỡ khó lưu thông cho khâu thu mua hiện nay.
Theo Bộ Công Thương, giá lúa gạo tại ĐBSCL nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500-600 đồng/kg.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở các địa phương còn rất nhiều, nhất là lúa vụ Hè Thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600.000 ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy.
Dự báo thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu và Thu Đông sớm sẽ tập trung trong các tháng 8, 9 và 10, tuy nhiên khó khăn hiện nay là giá lúa giảm. Ước tính sản lượng thu mua lúa Hè Thu sụt giảm từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo "3 tại chỗ" do tỷ lệ tiêm vacine còn hạn chế; nhiều cơ sở sấy và xay sát lúa cũng phải dừng hoạt động do không đáp ứng việc test nhanh Covid-19.