Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thông tin như vậy tại buổi điện đàm trực tuyến với Quốc vụ khanh phụ trách chính sách thương mại Vương quốc Anh, ông Greg Hands vào ngày 16/3 để trao đổi về một số nội dung, trong đó tập trung vào tổ chức Khóa họp lần thứ 12 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Vương quốc Anh về hợp tác kinh tế, thương mại.
Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng, kịp thời cùng với Anh (UK) trong việc ký kết và thực hiện các thủ tục để UKVFTA có hiệu lực sớm nhất.
"Việt Nam sẽ hoàn tất quy trình thông báo về việc phê duyệt Hiệp định cho phía Vương quốc Anh trong tháng 3/2021 để Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021", theo Bộ Công thương.
Được áp dụng từ 1/1/2021, Hiệp định UKVFTA đã phát huy được hiệu quả về thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh.
UKVFTA đi vào thực thi, trên tinh thần tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với các điều khoản cam kết tương tự, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện có thêm cơ hội, phát triển xuất khẩu sang thị trường Anh với các lợi thế về cam kết thuế quan có được từ UKVFTA.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 998 triệu USD.
Bên cạnh đó, việc Anh đang triển khai chiến lược tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực được các thể chế uy tín quốc tế đưa ra gần đây, hứa hẹn lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam - Anh.
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 5,64 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Anh 4,95 tỷ USD, đạt thặng dư thương mại là 4,27 tỷ USD. Anh tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức và Hà Lan.
Đây là mức tăng ấn tượng khi Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại, đồng thời cho thấy UKVFTA vừa có hiệu lực rất hứa hẹn, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, ngành hàng được hưởng lợi lớn từ Hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, da giày, gỗ, rau quả…
Dư địa tăng trưởng hàng hoá Việt Nam trên thị trường Anh còn rất lớn vì hiện nay hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Anh. Việc ký kết UKVFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia .