Xe châu Âu nhập về Việt Nam có giá gấp 2-3 lần giá xuất xưởng. |
Giá rẻ bị nhiều yếu tố chi phối
Theo cam kết của hiệp định, hàng hóa từ EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ 48,5% số dòng thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ và sau 10 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ 98,3% số dòng thuế. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Riêng đối với ô tô, thuế nhập khẩu đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diesel) sẽ về 0% sau 9 năm hiệp định có hiệu lực. Với các loại ô tô khác, thuế nhập khẩu sẽ về 0% sau 10 năm.
Hiện nay, Việt Nam đang tiêu thụ nhiều thương hiệu xe thuộc nhiều phân khúc đến từ thị trường châu Âu. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2018 có 1.197 ô tô nhập khẩu từ Đức đăng kiểm lưu hành tại Việt Nam (một số nước khác như: Hungari có 26 chiếc, Hà Lan có 31 chiếc, Slovakia có 166 chiếc…). Cụ thể, hai thương hiệu mạnh, chiếm phần lớn thị phần xe sang tại Việt Nam đến từ Đức là BMW (do CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco quản lý thương hiệu và phân phối sản phẩm) và Mercedes (do Mercedes Benz - Việt Nam MBV sản xuất, nhập khẩu và phân phối).
Ngoài ra xe nhập khẩu còn có các thương hiệu nổi tiếng khác như: Peugeot, Audi, Jaguar, Porches, Volkswagen, Ducaiti, Ferrari, Fiat, Bugatti… hầu hết là các dòng xe sang, giá thành cao nên doanh số chưa lớn tại Việt Nam.
Theo đó, hiện nay người tiêu dùng Việt phải chịu đến 3 khoản thuế khi mua xe nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, thuế nhập khẩu đang áp dụng ở mức 70-80%, thuế tiêu thụ đặc biệt phụ thuộc vào dung tích xi lanh động cơ bằng 35-150% giá xe ban đầu cộng thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng là 10% giá xe sau khi đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thuế nhập khẩu giảm về 0% theo lộ trình vào năm 2029-2030, nhưng chưa chắc giá xe sẽ giảm. Bởi bài học từ thị trường ASEAN khi thuế về 0% thì xe ô tô thậm chí còn tăng giá chứ không hề giảm như kỳ vọng do tác động từ chính sách các bên và nhiều yếu tố cung cầu của thị trường.
Nỗi lo cạnh tranh cho xe nội địa
Kỳ vọng sử dụng xe ô tô châu Âu với giá thấp còn rất lâu trong khi các doanh nghiệp nội lo ngại không cạnh tranh nổi với các xe nhập khẩu.
Hiện nay, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mới đạt tỷ lệ nội địa hóa bình quân khoảng 7-10%. Đây là tỷ lệ rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ lệ nội địa hóa ô tô trung bình của khu vực từ 65-70% (riêng Thái Lan đạt tới 80%).
Các chuyên gia đầu ngành nhận định, để công nghiệp hỗ trợ phát triển với những sản phẩm có chất lượng tốt, hàm lượng công nghệ cao trong hoàn cảnh hiện nay rất khó khăn. Không nhiều nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung cấp bởi thiếu bản quyền hoặc chuyển giao công nghệ hoặc thỏa thuận cấp phép từ các nhà cung cấp chính hãng.
Trong số các dự án đầu tư nội địa hiện nay, Vinfast là dự án sẽ có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất (70-80%), vì có đầu tư xưởng dập thân vỏ xe và xưởng chế tạo động cơ; Thaco và Thành Công cũng đang vươn tới mức 40%… Tuy nhiên, như đã nói, để phát triển thì một mẫu xe phải đạt doanh số 50.000 xe/năm trở lên, với sản xuất động cơ cũng tương tự, phải đạt quy mô 50.000-100.000 chiếc/năm mới có hiệu quả.
Với các FTA đã và sẽ ký, khoảng năm 2030 thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.
Dự báo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe/năm vào thời điểm 2030. Thu nhập người dân đang ngày càng tăng và giai đoạn ô tô hóa (motorization) sẽ diễn ra sau năm 2020. Tiêu thụ xe sẽ tăng dần từ con số 300.000 chiếc/năm hiện nay lên 1 triệu chiếc/năm vào 2030.
Vì vậy việc cần làm của các doanh nghiệp trong nước là xây dựng chuỗi liên kết, tìm cách nhanh chóng gia tăng tỷ lệ nội địa để chiếm lĩnh thị trường. Khi đó mới có hy vọng cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu và từ đó giá thành sẽ giảm mà không chờ vào sự ràng buộc hay quy định nào.
Kim Ngọc