Hiện tượng bất động sản tăng giá liên tục: nguyên nhân do đâu?

(CL&CS) - Thời gian gần đây, giá bất động sản ở nhiều nơi tăng đột biến, về việc này Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục duy trì ổn định; việc tăng giá bất động sản không chỉ có tác động của tăng giá đất…

Bất động sản vẫn ổn định 

Năm 2020 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91%. Trong đó, ngành Xây dựng tăng 6,76%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; Ngành Bất động sản đóng góp khoảng 4,42% (nếu tính cả các đóng góp gián tiếp của các yếu tố vốn, đất đai, vật liệu, xây dựng… trong lĩnh vực bất động sản thì đóng góp của ngành Bất động sản còn cao hơn, khoảng 8-11%).

Có được kết quả nêu trên là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành tích cực nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, như: Luật Xây dựng 2020 và Luật Đầu tư 2020 cùng với nhiều văn bản pháp luật khác; đồng thời nhanh chóng, kịp thời nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để giúp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

BĐS trong năm 2020 vẫn ổn định

Trong năm, Bộ Xây dựng đã có nhiều báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (Báo cáo số 25/BC-BXD ngày 25/3/2020, Văn bản số 1483/BXD-QLN ngày 31/3/2020 và Báo cáo số 43/BC-BXD ngày 28/4/2020); đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (đến nay hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng hơn 5.210.000m2 nhà ở xã hội).

Chính nhờ vậy, thị trường bất động sản đã vượt qua khó khăn, giữ được sự phát triển tương đối ổn định trong năm 2020 thể hiện qua các tiêu chí: Nguồn cung bất động sản (số lượng dự án mới được cấp phép, dự án hoàn thành) ổn định; cơ cấu sản phẩm bất động sản được điều chỉnh phù hợp hơn (giảm phân khúc cao cấp, tăng phân khúc trung bình, giá rẻ); lượng giao dịch bất động sản được duy trì (không sụt giảm đáng kể); giá bất động sản (giá bán nhà ở và cho thuê bất động sản công nghiệp…) tăng.

Cụ thể, về nhà ở thương mại có 743 dự án với 232.559 căn hộ được cấp phép và 288 dự án với 57.149 căn hộ hoàn thành (trong năm 2019 chỉ có 335 dự án với 175.801 căn hộ được cấp phép và 186 dự án với 66.155 căn hộ hoàn thành); có 322 dự án nhà ở với 110.181 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (trong năm 2019 có 203 dự án với 85.612 căn hộ); có 115.420 giao dịch bất động sản thành công (trong năm 2019 có 82.604 giao dịch bất động sản thành công).

Tác động của tăng giá đất đối với giá bất động sản, nhà ở

Theo báo cáo, công bố thông tin thị trường bất động sản năm 2020 và 02 tháng đầu năm 2021 của Bộ Xây dựng thì giá bất động sản vẫn tăng; trong đó, có những khu vực, dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020. Có ý kiến cho rằng các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá bất động sản đặc biệt là bất động sản nhà ở, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như cơ hội có chỗ ở cho người thu nhập thấp.

Hiện tượng tăng giá bất động sản tại các địa phương có nhiều nguyên nhân khác nhau như: Khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa – đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh; do giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị...gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính... Trong đó, giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo.

Đối với một dự án bất động sản thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của dự án. Tuy nhiên, cơ cấu, tỷ trọng chi phí về đất trong giá thành bất động sản rất khác nhau đối với mỗi dự án: bình quân, tại các khu vực đô thị tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 20-30% giá thành nhà liền kề thấp tầng; trên dưới 50% giá thành biệt thự (ở các khu vực ngoại thành, nông thôn với giá đất rất rẻ thì tỷ lệ này thấp hơn; ở các khu vực trung tâm đô thị với giá đất rất cao thì tiền sử dụng đất lại là chi phí chủ yếu trong giá thành).

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 về khung giá đất, UBND các tỉnh/thành phố đã xây dựng và có Quyết định ban hành bảng giá đất của địa phương áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024; các địa phương cũng đã có Quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2021 để áp dụng thực hiện. Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.

Như vậy, trường hợp chi phí về đất của một dự án bất động sản được căn cứ trực tiếp từ giá đất trong bảng giá đất được ban hành thì việc tăng giá đất khoảng 15-20% của các địa phương cũng chỉ làm tăng giá thành bất động sản nhà ở khoảng 1,5-5%.

Tuy nhiên, đối với các dự án bất động sản thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất của thị trường (lúc đó việc điều chỉnh bảng giá đất của địa phương chỉ có tác động gián tiếp).

Mặt khác, việc áp dụng khung giá đất, bảng giá đất mới tại các địa phương chưa lâu (sớm nhất là từ thời điểm 01/01/2020); các dự án được hoàn thành và có sản phẩm chào bán ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu là dự án thực hiện và áp dụng giá đất theo khung giá, bảng giá đất trước đó.

Do vậy, việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án tại các địa phương trong năm 2020 và thời gian qua. Tuy nhiên, việc tăng giá đất cũng vẫn có phần tác động làm tăng giá bất động sản trong thời gian tới đặc biệt là giá nhà đất của người dân tại các khu vực hiện hữu.

Thách thức và giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn tới

Thị trường bất động sản năm 2021 vẫn còn có những thách thức trước mắt nhưng cũng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.

Thách thức đầu tiên là việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu và tốc độ phục hồi nền kinh tế trong nước trong thời gian tới. Thứ hai là việc triển khai có hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống những cơ chế, chính sách đã được nghiên cứu, sửa đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh bất động sản thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức như trên thì cơ hội phát triển của thị trường bất động sản vẫn rất lớn, đó là tình hình chính trị ổn định; kinh tế vĩ mô phát triển ổn định; xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm việc của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam từ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn; thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vẫn có nhu cầu cao…

Vì vậy, nếu nắm bắt được các cơ hội này và các cơ chế, chính sách, pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung (đã được ban hành cũng như sắp được ban hành) sớm được triển khai thực hiện, đi vào thực tế thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, đồng thời sẽ là bản lề mở ra thời kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản trong hoàn cảnh, điều kiện mới.

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp và quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thật của thị trường.

Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội.

Trong năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản như: rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 76/2015/NĐ-CP và Nghị định 117/2015/NĐ-CP; nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2) để trình Chính phủ xem xét ban hành và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đặc biệt là về hệ thống đường giao thông…) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Hồng Liên

TIN LIÊN QUAN