Hành trình 65 năm ngành Du lịch Việt Nam phát triển và vươn mình mạnh mẽ

(CL&CS) - Năm 2025 đánh dấu cột mốc khi ngành Du lịch Việt Nam chính thức tròn 65 tuổi (9/7/1960 - 9/7/2025), từ những bước đi đầu tiên trong bối cảnh kháng chiến cứu quốc, qua thời kỳ hội nhập quốc tế trong công cuộc đổi mới và mở cửa, đến việc vươn mình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Hành trình phát triển đầy tự hào

Ngày 9/7/1960 được ghi nhớ như dấu mốc khai sinh ngành Du lịch Việt Nam. Theo Nghị định số 26/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành, Công ty Du lịch Việt Nam được thành lập, chính thức đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch nước nhà.

Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, khi cả nước đang dồn sức cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, việc xác lập một lĩnh vực kinh tế mới như du lịch thực sự là một bước đi táo bạo, mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Dù còn non trẻ, ngành Du lịch Việt Nam thời kỳ đầu đã được tổ chức một cách bài bản nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đón và phục vụ các đoàn khách của Đảng, Nhà nước, các đoàn chuyên gia quốc tế đến đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Không chỉ vậy, hoạt động du lịch còn phục vụ cán bộ, thương bệnh binh và công nhân nghỉ dưỡng. Các cơ sở lưu trú, điểm nghỉ dưỡng lần lượt hình thành tại những vùng có khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp như Sa Pa, Tam Đảo, Đồ Sơn, tạo nền tảng đầu tiên cho sự phát triển sau này.

Ngành Du lịch Việt Nam đã chứng kiến một chặng đường dài phát triển và vươn mình mạnh mẽ.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ngành Du lịch bước vào giai đoạn mới với việc tiếp quản và phát triển hệ thống du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam như Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Côn Đảo. Những trung tâm du lịch tiềm năng này dần được khôi phục và đưa vào vận hành, làm tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển sôi động trong những thập kỷ tiếp theo.

Bước ngoặt thực sự quan trọng vào năm 1986, khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa hội nhập. Du lịch từ một ngành chủ yếu phục vụ nội bộ và đối ngoại đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế có sức hút đầu tư lớn, tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lan tỏa rộng đến nhiều lĩnh vực khác.

Năm 1992, Tổng cục Du lịch được thành lập, đánh dấu sự nâng tầm trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành. Các chính sách khuyến khích phát triển du lịch dần được hoàn thiện thông qua những văn kiện quan trọng như Chỉ thị 46 của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1994 về "Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới", hay Thông báo Kết luận 179 của Bộ Chính trị năm 1998 về "Phát triển du lịch trong tình hình mới" - văn bản chỉ đạo đặt nền tảng cho nhiều chính sách quan trọng sau này.

Chuỗi các chính sách và cơ chế quan trọng tiếp tục được ban hành, bao gồm Pháp lệnh Du lịch năm 1999, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 1999, Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch năm 2000, và Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010.

Đặc biệt, sau gần 20 năm, vào năm 2017, Bộ Chính trị lại ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Nhà nước nhằm kiến tạo cơ sở pháp lý và động lực mạnh mẽ để ngành Du lịch phát triển bứt phá.

Du lịch Việt vươn mình mạnh mẽ

Giai đoạn 1990 - 2019 chứng kiến thời kỳ tăng trưởng liên tục và ấn tượng của ngành Du lịch. Lượng khách quốc tế năm 2019 đạt 18 triệu lượt, cao gấp 72 lần so với năm 1990 chỉ với 250 nghìn lượt. Khách nội địa đạt 85 triệu lượt, tổng thu du lịch lên tới 755 nghìn tỷ đồng, và du lịch đóng góp 9,2% GDP. Các thị trường quốc tế quan trọng như Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Mỹ, Úc dần được mở rộng. Năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể nhờ việc đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thế nhưng, giai đoạn 2020 - 2025 lại chứng kiến những thử thách khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử khi đại dịch Covid-19 ập đến. Ngành Du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề với các đường bay quốc tế ngưng trệ, hoạt động du lịch "đóng băng" hoàn toàn. Có thời điểm 90 - 95% doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động, người lao động trong ngành mất việc làm, nhiều người phải chuyển sang lĩnh vực khác mưu sinh. Trong bối cảnh đó, việc khôi phục ngành du lịch trở thành nhiệm vụ cấp bách, mang tính sống còn.

Với tinh thần chủ động, thích ứng linh hoạt, ngành Du lịch Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để duy trì hoạt động và thích nghi với thực tiễn. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thể hiện vai trò trung tâm trong việc tham mưu, kiến tạo chính sách, đưa ra nhiều đề xuất chiến lược nhằm "gỡ băng" cho ngành, thúc đẩy phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với đề xuất mở cửa trở lại du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi.

Ngay sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15 tháng 3 năm 2022, hàng loạt biện pháp đã được triển khai đồng bộ, nhất quán, thể hiện sự quyết liệt trong công tác tham mưu và chỉ đạo điều hành. Đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì 3 hội nghị lớn cấp quốc gia về du lịch chỉ trong vòng hơn 1 năm nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phục hồi. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đột phá, tiêu biểu như Nghị quyết 82/NQ-CP năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; và Quyết định 509/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Đặc biệt, các chính sách mới về thị thực đã tạo ra bước đột phá quan trọng: miễn thị thực với thời hạn tạm trú nâng từ 15 ngày lên 45 ngày, cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên tới 90 ngày, miễn thị thực ngắn hạn cho Séc, Đức, Ba Lan theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Không chỉ vậy, Chính phủ cũng vừa chính thức áp dụng giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch tương đương với các cơ sở sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp du lịch.

Đồng thời, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý, kinh doanh và quảng bá du lịch.

Việc khai thác tiềm năng quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, tăng cường liên kết du lịch với các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, thể thao, nông nghiệp, đường sắt, hàng không, y tế, khoa học công nghệ đã phát triển hệ thống sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hấp dẫn. Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế cũng đã nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên thế giới một cách rõ rệt.

Nhờ các chính sách trúng và đúng, du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi thực sự ấn tượng. Từ 3,7 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, con số này tăng vọt lên 12,6 triệu lượt năm 2023 và đạt 17,6 triệu lượt năm 2024, tương đương 98% so với năm 2019 - tỷ lệ phục hồi cao nhất trong khu vực ASEAN. Khách nội địa năm 2024 đạt 110 triệu lượt, tổng thu từ du lịch lên tới 840.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Đặc biệt, sáu tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ khi Việt Nam đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, phục vụ 77,5 triệu lượt khách nội địa và đạt tổng thu từ du lịch 515 nghìn tỷ đồng. Du lịch đã được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Những nỗ lực không ngừng của Du lịch Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, các tổ chức giải thưởng và các hãng truyền thông quốc tế ghi nhận một cách tích cực. Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) đã 5 lần vinh danh Việt Nam là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" và 6 lần "Điểm đến hàng đầu châu Á".

TIN LIÊN QUAN