Hải Phòng hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

(CL&CS) - Để giúp doanh nghiệp sản xuất hàng hóa minh bạch, chống gian lận thương mại, TP. Hải Phòng đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2023-2024.

Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng nhận định, truy xuất nguồn gốc (TXNG) sẽ giúp các bên minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Giúp các doanh nghiệp sản xuất ngày càng ý thức hơn trong việc sản xuất hàng hóa, đồng thời giúp sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam có thể hội nhập với thế giới và dễ dàng thông quan hơn khi xuất khẩu. Từ thực tiễn này, Sở đã không ngừng hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2023-2024 tới các doanh nghiệp.

Mục tiêu của nhiệm vụ là hỗ trợ 43 sản phẩm của 15 cơ sở trên địa bàn thành phố áp dụng hệ thống TXNG, gắn mã số, mã vạch (MSMV) cho sản phẩm hàng hoá, đảm bảo kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa Quốc gia.

Xây dựng bộ tài liệu gồm 43 Sổ tay TXNG cho 43 sản phẩm và 15 Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) TXNG cho 15 cơ sở được lựa chọn; Chuẩn hóa dữ liệu MSMV phù hợp với quy định; Ứng dụng hệ thống hệ thống giải pháp quản lý thông tin (NBC- Trace) TXNG phù hợp thực trạng và nhu cầu quản lý chuỗi sản xuất, cung ứng.

TXNG sẽ giúp các bên minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa, đồng thời chống gian lận thương mại. Ảnh: Sở KH&CN Hải Phòng

Theo đó, Ban chủ nhiệm dự kiến thực hiện các nội dung chính: Khảo sát, đánh giá hiện trạng về sử dụng MSMV và áp dụng TXNG của 43 sản phẩm tại 15 cơ sở được lựa chọn; Xây dựng TCCS TXNG cho 15 cơ sở; Đánh giá và chuẩn hóa MSMV; Thí điểm áp dụng NBC- Trace TXNG cho 43 sản phẩm được lựa chọn; Đào tạo, tập huấn cho 15 cơ sở.

Đề cập tới vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh việc triển khai khảo sát, hướng dẫn hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, chú trọng các sản phẩm đặc thù, sản phẩm được chứng nhận OCOP, sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu. Hàng năm, triển khai hỗ trợ tối thiểu 50 sản phẩm kết nối vào Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Ngoài ra, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, UBND thành phố cũng vừa ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND về xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp từ cấp thành phố đến cơ sở.

Theo đó, Kế hoạch vận dụng các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025; thu hút đầu tư vào các nội dung ưu tiên, khuyến khích đầu tư trên từng lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát triển nông thôn và chương trình xã hội sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn… Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, gắn với yếu tố thị trường, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững. Phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm theo hướng tăng liên kết chuỗi nông sản.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn mắc với các sản phẩm đặc thù, chủ lực của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường nước ngoài tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo cơ hội đầu tư trong và ngoài nước; thực hiện công khai các quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng, sử dụng đất, các dự án, công trình đầu tư tại địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư, địa phương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư.

TIN LIÊN QUAN