Hải Phòng: Giải pháp nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

(CL&CS)- Chiến lược của thành phố Hải Phòng là nâng cao chất lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển; xây dựng thương hiệu, cụm công nghiệp công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị khoa học và Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về điều khiển và tự động hóa (VCCA 2024), chiều 9/5, tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) chủ trì phối hợp với Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hội Tự động hóa Việt Nam, Trường đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) tại thành phố Hải Phòng”.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố; PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo; PGS.TS Bùi Quang Khánh, Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam; lãnh đạo Sở KH&CN một số tỉnh, thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, viện, trường, đơn vị liên quan.

Năm 2023, Hải Phòng là thành phố xếp vị trí thứ 3 toàn quốc về PII, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 52,32 điểm.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đánh giá, vị trí thứ 3 cả nước về chỉ số PII 2023 chứng tỏ cam kết và sự nỗ lực không ngừng của TP trong việc tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững, tạo cơ hội cho thành phố tiếp tục đổi mới và phát triển trong tương lai.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng (Ảnh Tú Quyên)

Theo ông Cường, TP Hải Phòng rất chú trọng tới yếu tố thể chế khi ban hành nhiều chính sách, cải cách hành chính nằm thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. TP Hải Phòng đã đẩy mạnh loạt chính sách về sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gắn kết số này với doanh nghiệp cũng như mở rộng danh mục đào tạo các ngành trọng điểm. Nhờ đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng năm 2023 đạt gần 17 tỷ USD, gấp 4 lần thời điểm 2015, và đứng thứ 5 trong tổng số 53 địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hải Phòng cũng nhìn nhận, qua kết quả công bố PII 2023 cũng cho thấy điểm yếu của Hải Phòng đó là số bằng sáng chế ít, trích dẫn quốc tế thấp. Để khắc phục những vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, trong thời gian tới, chiến lược của thành phố là nâng cao chất lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển; xây dựng thương hiệu, cụm công nghiệp công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Do vậy, hội thảo có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá thực trạng Chỉ số đổi mới sáng tạo tại Hải phòng, từ đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kế hoạch nhằm nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo của thành phố trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, các đồng chí hy vọng thành phố sẽ tận dụng những điểm mạnh, khắc phục những thách thức, tiếp tục duy trì và cải thiện vị thế của Hải Phòng trong tương lai thông qua nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo.

Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN (Ảnh Tú Quyên)

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, dù đã rất nỗ lực nhưng việc duy trì vị trí top 3 của Hải Phòng còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, thành phố đặc biệt chú trọng tới yếu tố thể chế, nổi bật là chính sách thúc đẩy KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, vốn lao động, phát triển giáo dục và KHCN. Hải Phòng cũng tập trung đẩy mạnh loạt chính sách về sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gắn kết với doanh nghiệp; mở rộng danh mục đào tạo các ngành trọng điểm như điện- điện tử, cơ khí, đóng tàu, hàng hải, logistics… Thứ trưởng đề nghị Hải Phòng cùng các địa phương, đơn vị liên quan cần tiếp tục xây dựng PII phù hợp với từng tỉnh, thành, trên cơ sở đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của KH&CN đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hải Phòng đã nêu rõ thực trạng chỉ số PII cũng như giải pháp nâng cao chỉ số PII năm 2024-2025 của TP. Ông cho biết, trong 52 chỉ số thành phần, thành phố có 5 chỉ số được đánh giá cao và là điểm mạnh gồm: tỉ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; cải cách hành chính, tài chính vi mô/GPDP, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra những chỉ số còn yếu của TP Hải Phòng như: đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 doanh nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế trên tổng dân số, số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn KH&CN thấp,…

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh Tú Quyên)

Từ thực trạng trên, lãnh đạo Sở KH&CN TP Hải Phòng đưa ra một số giải pháp: phấn đấu tăng điểm số PII, giữ vững vị trí top dẫn đầu của cả nước; phấn đấu cải thiện mạnh 2 trong tổng số 7 trụ cột của PII năm 2024-2025; tập trung cải thiện các điểm số là điểm yếu của TP; giữ vững và gia tăng điểm số và mức xếp hạng của 47 chỉ số thành phần còn lại của PII.

TIN LIÊN QUAN