Hà Nội thiếu trường THPT, chuyên gia quy hoạch hiến giải pháp

(CL&CS) - Đưa giải pháp cho việc thiếu trường THPT ở Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần phải giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng dân vào ở vẫn không xây trường học.

Mới đây, hình ảnh từng hàng dài phụ huynh xuyên đêm giành suất cho con vào lớp 10 ở Hà Nội đã gây xót xa, bức xúc, thu hút sự chú ý của dư luận. Năm nay, Hà Nội có khoảng 33 ngàn thí sinh trượt vào lớp 10 công lập, cùng với đó là khoảng từng ấy gia đình "lao đao" trong việc tìm chỗ học cho con.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu Hà Nội không có giải pháp cho việc thiếu trường THPT thì trong khoảng 4 năm tới, con số học sinh trượt các trường công lập ở Hà Nội có thể tăng gấp đôi.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

4 lý do khiến Hà Nội thiếu trường THPT

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc thiếu trường THPT cho học sinh Hà Nội có nhiều lý do.

Đầu tiên, phải kể tới việc dân số vượt quá ngưỡng dự báo, trong đó, số người dân di cư tự do, kèm theo cả gia đình rất đông. Áp lực thi vào lớp 10 của Hà Nội căng thẳng những năm gần đây, nhìn ngược lại năm sinh thì thấy, là lứa học sinh ra đời trong những năm Hà Nội bắt đầu phát triển mạnh. Cần phải có điều tra dân số sẽ có đánh giá kỹ càng hơn.

Một nguyên nhân nữa, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, phát triển Thủ đô Hà Nội trong những năm vừa qua theo mô hình khu đô thị mới. Theo quy định, dân số trong khu đô thị mới chỉ ở một ngưỡng nhất định, cân đối. Cùng với đó, trường học các cấp phải đủ cho nhu cầu dân số đã được xác định theo ngưỡng của từng khu đô thị.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều khu đô thị mới vừa qua tồn tại hai vấn đề lớn. Đó là khi giao cho chủ đầu tư đã không kiểm soát tiến độ và không lựa chọn được phương thức xây dựng trường học hợp lý. Cho nên, thường là dân đến ở mà chủ đầu tư vẫn không xây trường học, hoặc chậm xây, vì trường học không mang lại lời lãi cho các chủ đầu tư.

Và do không kiểm soát được tiến độ cho nên đã dẫn tới một vấn đề nữa, đó là có sự điều chỉnh quy hoạch ở các khu đô thị, số tầng của các nhà ở được điều chỉnh tăng lên. Số tầng tăng thì dân số tăng. Trong khi đó, không tăng tỷ lệ trường học.

Nguyên nhân thứ 3, về mặt pháp lý, hiện nay, chúng ta có cả trường công lập và dân lập, tuy nhiên, chưa có một chính sách nào để cân đối giữa hai loại trường này. Từ đó, dẫn tới tình trạng, trường công do nhà nước đầu tư, còn dân lập do doanh nghiệp, nhà đầu tư làm, nhưng rất ít. Thực tế, có tình trạng đầu tư đi đầu tư lại, hoặc tái khởi động lại nhiều mà không thực hiện được.

Để cân đối, theo ông Nghiêm, cần phải có điều tra dân số để có những giải pháp cho phù hợp. Chẳng hạn, ở những khu đô thị cao cấp, hay với những gia đình có thu nhập khá, trung lưu rất muốn cho con học trường dân lập tốt, chất lượng cao. Nhưng với những gia đình thu nhập thấp, vừa phải, hoặc ở các khu nhà ở xã hội thì muốn cho con học trường công lập để đỡ chi phí.

Nguyên nhân thứ 4, theo ông Nghiêm, việc thiếu trường THPT một phần do chúng ta chưa di dời các cơ sở bộ ngành, cơ sở y tế ra ngoài nội đô để dành diện tích đó xây dựng trường học, không gian xanh công cộng.Vừa qua, tiến độ thực hiện việc này rất chậm. Hà Nội đã thiếu đất xây dựng cho trường học, tương lai sẽ còn thiếu nữa, nếu vẫn tiếp tục tình trạng này.

“Như vậy, việc Hà Nội thiếu trường học phải nhìn vào đồng bộ các lý do thì mới có giải pháp tổng thể, mới có “bản giao hưởng” giải pháp hợp lý được”, ông Nghiêm nói.

Tăng cường giám sát, kiên quyết thực hiện theo quy hoạch 

Đưa ra giải pháp, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, trong bối cảnh hiện nay, dù Hà Nội đã có thí điểm rồi, nhưng vẫn cần thêm thí điểm để trở thành thể chế hóa, đó là điều chỉnh lại một số tiêu chuẩn. Ví dụ, về đất đai, cần tăng mật độ xây dựng trường học, không tách riêng nhà giáo vụ, nhà của giáo viên. Thay vào đó, tăng tầng trường học lên, tầng cao dành cho các văn phòng, khu phục vụ, còn tầng dưới vẫn dành cho trường học theo quy định. Tuy nhiên, đây là giải pháp nhất thời.

Hình ảnh phụ huynh chen chúc xếp hàng giành suất cho con vào lớp 10 tại Trường THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội ngày 5/7 vừa qua. Ảnh: NVCC.

Qua rà soát thì thấy, các địa điểm xây dựng trường học, phần lớn đều chậm tiến độ. Giải pháp lâu dài cần rà soát lại thật kỹ, kể cả các khu nội đô hay khu đô thị mới, giám sát mạnh mẽ, kiên quyết thực hiện theo quy hoạch, tăng cường xử lý vi phạm.

“Với những khu đô thị mới, nếu không đủ trường học, không đủ các công trình công cộng thì không cho người dân đến ở vội. Như vậy, buộc chủ đầu tư phải đẩy mạnh tiến độ, xây đồng bộ”, ông Nghiêm nói.

Còn đối với khu vực nội đô, ông Nghiêm cho rằng, cần phải di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp, di dời trụ sở các bộ ngành. Việc này, lẽ ra đã phải thực hiện cách đây hơn chục năm, nhưng không thực hiện được. Hiện, Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có đề xuất khi di dời đi, phải giao đất lại cho Hà Nội, chứ không thể để phục vụ cho mục tiêu khác. Như vậy, Hà Nội sẽ có quỹ đất để xây dựng trường học. Chẳng hạn, một số khu vực phía trong của quận Hoàn Kiếm… có cơ sở công nghiệp thì có thể di dời.

So sánh với các nước, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, các nước quản lý rất chặt việc dân số vào. Và khi dân số tăng thì phải đảm bảo đồng bộ, không chỉ tăng nhà ở mà còn cả hạ tầng xã hội, gồm trường học, cơ sở y tế, công trình dịch vụ công cộng thương mại. Hiện nay chúng ta mới chú trọng tăng về công trình thương mại, chứ ít tăng những hạ tầng xã hội khác, như các nhà văn hóa, trường học…

“Một vấn đề nữa ở đây là cần có cơ chế chính sách, có chính sách ưu tiên cho nhóm đặc thù, hiện đã có đề xuất trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp xây dựng trường học thì sẽ được miễn giảm một số thuế và được giảm tiền đất, hoặc được giao cho các dự án ở khu vực khác…”, ông Nghiêm cho hay.

Mới đây, tại chương trình phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, truyền thông đã phản ánh thực trạng trong nhiều năm, thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn thi vào đại học. Bà Nga đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vào cuộc làm rõ liệu có đúng là đang thiếu trầm trọng trường công hay không, thực tế này giải quyết thế nào?

Qua theo dõi, bà Nga cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị đưa thêm nội dung này vào báo cáo công tác dân nguyện.

TIN LIÊN QUAN