Tỉnh Hà Nam vừa tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối”, một trong những sự kiện tiêu biểu của Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2024.
Đây là dịp để Hà Nam tiếp tục định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế “Điểm đến văn hoá địa phương hàng đầu thế giới” và “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”; quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; đồng thời, mở rộng liên kết phát triển du lịch, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn giới thiệu đến du khách.
Lễ hội Tam Chúc hấp dẫn du khách mọi miền đất nước. Ảnh: ST
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định Hà Nam có nhiều lợi thế về du lịch nhưng việc phát triển du lịch hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Để du lịch Hà Nam phát triển bền vững, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp.
Theo đó, tỉnh cần tăng cường quảng bá, đặc biệt chú trọng quảng bá trên nền tảng số; tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch. Bên cạnh triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực du lịch, cơ sở hạ tầng, Hà Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm ấn tượng cho du khách; quan tâm phát triển du lịch thông minh và khai thác các mô hình du lịch sáng tạo, kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số...
Nhìn từ nguồn tài nguyên văn hóa địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nam cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, tăng cường bảo tồn các giá trị tài nguyên văn hóa cốt lõi, đặc sắc của tỉnh; ưu tiên xây dựng các sản phẩm dựa trên thế mạnh khai thác chiều sâu các giá trị văn hóa tâm linh, lấy quần thể danh thắng Tam Chúc làm trung tâm kết nối với các điểm du lịch văn hóa - tâm linh khác.
Khai thác đa dạng các giá trị văn hóa, lịch sử từ các bảo tàng, các điểm di tích, các lễ hội truyền thống; trong đó, đặt trọng tâm khai thác, phát huy giá trị văn hóa nhằm đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trong không gian Lễ hội Tịch điền; các trò chơi, trò diễn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, làng nghề truyền thống gắn với đời sống và văn hóa cộng đồng bản địa; đổi mới phương thức trải nghiệm, đồng thời gia tăng nội dung, những thông điệp có ý nghĩa và tính giáo dục thông qua những trải nghiệm này.
Đồng thời, tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch thường niên của tỉnh, tạo điểm nhấn để quảng bá du lịch và thu hút khách du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch...
Ký kết thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Hà Nam và một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước. Ảnh: Đức Huy
Để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Hà Nam, đòi hỏi ngành du lịch cần đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, như khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan. Để làm được điều này đòi hỏi tỉnh Hà Nam có thêm những cơ chế, chính sách về hạ tầng, diện tích xây dựng, qua đó thu hút vốn đầu tư cho ngành du lịch...
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng: Du lịch Hà Nam cần đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ; trong đó, chú trọng kết nối với Hà Nội để xây dựng những tour, tuyến du lịch chung phù hợp với từng luồng nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy cho biết: Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường nguồn lực đầu tư tu bổ các công trình tâm linh, hình thành và phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề chất lượng cao. Đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam; mời gọi các nhà đầu tư xây dựng những khu lưu trú đẳng cấp, thể thao chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch.