Các đại biểu trình bày tham luận và trao đổi trực tiếp trong tọa đàm tập trung vào các chuẩn yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, cấu trúc và nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, các điều kiện thực hiện chương trình để bảo đảm chất lượng đào tạo ở các trình độ đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ nhóm ngành du lịch.
Góp ý Dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo trình độ của giáo dục đại học nhóm ngành du lịch
Theo đó, chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) các trình độ của giáo dục đại học nhóm ngành du lịch là những yêu cầu chung, tối thiểu đối với tất cả các chương trình đào tạo của các ngành ở các trình độ của giáo dục đại học thuộc nhóm ngành du lịch, bao gồm yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, cấu trúc và nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, các điều kiện thực hiện chương trình để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Quy định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác, viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ có đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ các ngành thuộc nhóm ngành du lịch (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học)
Chuẩn CTĐT nhóm ngành du lịch được áp dụng cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện CTĐT của các ngành thuộc nhóm ngành du lịch trình độ đại học (mã số 78101), trình độ thạc sĩ (mã số 88101), trình độ tiến sĩ (mã số 98101) theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 ban hành Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học. Chuẩn này được áp dụng cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo của những ngành thí điểm thuộc nhóm ngành du lịch, ngành phụ hoặc song bằng nhóm ngành du lịch.
TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ quốc tế, Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội đại diện Tổ soạn thảo trình bày báo cáo tổng hợp quá trình xây dựng dự thảo
Chuẩn CTĐT các trình độ của giáo dục đại học nhóm ngành du lịch là căn cứ để các cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định, ban hành, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo; xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng chương trình đào tạo;
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo; các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo.
Căn cứ chuẩn CTĐT các ngành và các trình độ của giáo dục đại học thuộc nhóm ngành du lịch, các CSĐT có thể bổ sung các yêu cầu hoặc đưa ra các yêu cầu cao hơn phù hợp với thế mạnh, mục tiêu, chiến lược phát triển của mình để đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực du lịch có chất lượng.
Đông đảo các đại biểu tham dự chương trình tọa đàm
CTĐT nhóm ngành du lịch trình độ đại học
Chuẩn đầu ra kiến thức: Nghĩa là sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp biết vận dụng được kiến thức lý thuyết và thực tế cơ bản, toàn diện thuộc nhóm ngành du lịch, bao gồm: kiến thức chung về du lịch, kinh tế du lịch, địa lý du lịch, văn hoá du lịch; kiến thức về lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, sản phẩm du lịch, marketing du lịch, kinh doanh du lịch. Từ đó, biết cách trình bày được kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, khoa học xã hội; Áp dụng được kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp du lịch cụ thể; Vận dụng được kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành trong lĩnh vực du lịch.
Chuẩn đầu ra về kỹ năng: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp biết phản biện, đánh giá được tình hình và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi liên quan tới lĩnh vực du lịch; Đánh giá được chất lượng công việc trong lĩnh vực du lịch sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm; Giải quyết được những vấn đề về du lịch bao gồm: nghiên cứu, nhận diện vấn đề, các yếu tố liên quan; phân tích tình huống; đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề; Giao tiếp và tương tác hiệu quả; có thể diễn đạt, thuyết trình; thuyết minh, hướng dẫn du lịch được cho du khách; Có thể dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người; Có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam và tương đương; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản phục vụ công việc chuyên môn, tìm kiếm thông tin trên môi trường internet.
Chuẩn đầu ra về mức tự chủ và trách nhiệm: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp có khả năng thích ứng với môi trường nghề du lịch trong bối cảnh công nghệ và phương thức hoạt động thay đổi mạnh mẽ theo xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm; Hướng dẫn, giám sát được những người khác thực hiện công việc được giao; Tự định hướng, đưa ra được kết luận chuyên môn và có thể bảo vệđược quan điểm cá nhân; Có thể lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
CTĐT nhóm ngành du lịch trình độ thạc sĩ
Chuẩn đầu ra về kiến thức: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp biết cách tổng hợp được kiến thức thực tế và lý thuyết sâu, rộng, tiên tiến, các nguyên lý và học thuyết cơ bản trong lĩnh vực du lịch thuộc chuyên ngành đào tạo; Phân tích được kiến thức về các vấn đề chung, thực tiễn liên quan đến xu hướng phát triển du lịch; chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, khu vực, vùng, điểm đến du lịch.
Vận dụng được kiến thức liên ngành có liên quan đến lĩnh vực du lịch; Vận dụng được kiến thức chung về quản trị và quản lý trong lĩnh vực du lịch: quản lý nhà nước về du lịch; quản trị nguồn nhân lực du lịch; quản trị hoạt động lữ hành - hướng dẫn du lịch; quản trị khách sạn; quản lý điểm đến du lịch, marketing du lịch.
Chuẩn đầu ra về kỹ năng: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp biết cách phân tích, tổng hợp và đánh giá được dữ liệu và thông tin để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề về du lịch một cách khoa học; Truyền đạt được tri thức về du lịch dựa trên nghiên cứu, thảo luận cácvấn đề chuyên môn và khoa học; Tổ chức, quản trị và quản lý hiệu quả các hoạt động liên quan đến du lịch; Ứng dụng sáng tạo được công nghệ trong lĩnh vực nghề nghiệp và học thuật về du lịch; Có năng lực ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam và tương đương.
Chuẩn đầu ra về mức độ tự chủ và trách nhiệm: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp có thể nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Thích nghi, tự định hướng và hướng dẫn được người khác trong các lĩnh vực nghề nghiệp về du lịch. Có thể đưa ra những phát hiện, giải pháp, sáng kiến mang tính chuyên gia trong lĩnh vực du lịch. Quản lý, đánh giá và cải tiến được các hoạt động chuyên môn về du lịch.
CTĐT nhóm ngành du lịch trình độ tiến sĩ
Chuẩn đầu ra về kiến thức: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp phân tích, tổng hợp được những kiến thức tiên tiến, chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của lĩnh vực du lịch; Vận dụng thành thạo kiến thức cốt lõi, nền tảng thuộc lĩnh vực du lịchnhư quản lý du lịch, kinh tế du lịch, văn hoá du lịch, địa lý du lịch, kinh doanh du lịch và các vấn đề liên quan đến du lịch và lữ hành khác. Tổ chức được các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao sản phẩm khoa học trong lĩnh vực du lịch.
Chuẩn đầu ra về kỹ năng: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp làm chủ được lý thuyết khoa học, phương pháp, công cụ phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch; nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực du lịch, bao gồm các kỹ thuật quan sát, tham gia, phỏng vấn sâu, phỏng vấn bán cấu trúc, điều tra bằng bảng hỏi, đánh giá nhanh, thảo luận nhóm và các kỹ thuật khác.
Tổng hợp, đánh giá và bổ sung được tri thức chuyên môn về du lịch;phản biện khoa học về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến lĩnh vực du lịch. Suy luận và phân tích được các vấn đề khoa học và thực tiễn để đưa ra những giải pháp một cách khả thi và sáng tạo; sáng tạo tri thức mới trong lĩnh vực chuyên môn thuộc nhóm ngành du lịch; có khả năng hợp tác trong nước và quốc tế trong hoạt động chuyên môn; có năng lực tổng hợp trí tuệ tập thể, dẫn dắt chuyên môn để xử lí các vấn đề trong thực tiễn.
Tham gia thảo luận được ở trong nước và quốc tế các vấn đề thuộc lĩnh vực du lịch và công bố các kết quả nghiên cứu một cách chặt chẽ, khoa học; có khả năng tham gia, tác nghiệp, tư vấn, tham mưu tích cực, hiệu quả cáchoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch. Quản lý và điều hành chuyên môn thành thạo trong nghiên cứu và phát triển về lĩnh vực du lịch.
Chuẩn đầu ra về mức tự chủ và trách nhiệm: Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người tốt nghiệp có những phẩm chất, năng lực tự chủ và trách nhiệm như nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới trong du lịch; đưa ra các ý tưởng, kiến thức mới trong những hoàn cảnh phức tạp và khác nhau về du lịch. Thích ứng với các hoàn cảnh công việc khác nhau, tự định hướng vàcó khả năng dẫn dắt người khác; có khả năng đưa ra quyết định mang tính chuyên gia về lĩnh vực du lịch. Quản lý nghiên cứu và có trách nhiệm cao trong việc học tập để phát triển tri thức chuyên nghiệp, kinh nghiệm và sáng tạo ra ý tưởng mới về du lịch. Quyết định mang tính chuyên gia về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo các trình độ
Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo đại học nhóm ngành du lịch: Người học phải tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trình độ tương đương.
Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ nhóm ngành du lịch: Người học phải tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp (Phụ lục 2), người học tốt nghiệp nhóm ngành phù hợp 2 và 3 phải học bổ sung kiến thức theo quy định của CSĐT; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo tiến sĩ nhóm ngành du lịch: Người học phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp (ngành phù hợp 1 và 2 trong Phụ lục 2), người học tốt nghiệp nhóm ngành phù hợp 2 phải học bổ sung kiến thức theo quy định của CSĐT;
Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu. Thí sinh có bằng thạc sĩ thuộc ngành/chuyên ngành phù hợp phải học bổ sung kiến thức hoặc thạc sĩ định hướng ứng dụng hoặc thí sinh dự tuyển từ cử nhân thì phải là tác giả hoặc đồng tác giả của tối thiểu 01 công bố khoa học.
Công bố khoa học có thể là bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu, được hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành/liên ngành công nhận.
Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ phù hợp với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của chương trình đào tạo được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ sau: Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, một phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài.
Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc sư phạm tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp. Có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thi chứng chỉ ngoại ngữ đến ngày đăng ký dự tuyển được cấp bởi các cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo và CSĐT chấp nhận.
Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo tiến sĩ nhóm ngành du lịch bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) mà chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Việt và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai theo quy định của chương trình đào tạo.
Hiện nay, muốn thu hút khách bằng những dịch vụ, sản phẩm đạt chuẩn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam thì việc nâng cao trình độ, kỹ năng của nguồn nhân lực du lịch theo chuẩn hóa là đòi hỏi mang tính tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành du lịch đang gặp những thách thức không nhỏ về nhiều mặt, trong đó có yếu tố nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực du lịch có vai trò quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.