Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì cuộc họp về hạ tầng giao thông kết nối vùng TP.HCM để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Cuộc họp có sự tham gia của 3 Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường và các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước.
Sở GTVT TP.HCM mong muốn thời gian tổ chức cuộc họp từ 20-25/1/2021.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với vai trò đầu tàu kinh tế, chiếm 45,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. Đây là khu vực duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là du lịch, tài chính, ngân hàng, viễn thông, dịch vụ cảng... Thế nhưng trong thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện, thiếu sự liên kết vùng, chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Để phát huy hết thế mạnh của vùng, Sở GTVT cho rằng trong giai đoạn 2021-2025, cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông liên vùng quan trọng. Theo đó, Sở đề nghị Bộ sớm xem xét, thực hiện 5 dự án giao thông trọng điểm giai đoạn trước năm 2025.
Thứ nhất là Dự án khép kín đường Vành đai 3, có chiều dài 98,54km đi qua TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An. Trong đó, phần qua TP.HCM dài 53,9km đi qua TP Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Phần qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11,3km, tỉnh Bình Dương 26,7km và 6,65km qua tỉnh Long An.
Thứ hai là dự án đường Vành đai 4 có chiều dài 198km, đi qua 4 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.HCM, tiêu chuẩn đường cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng.
Thứ ba là trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang, chiều dài 54,5km đi qua TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang, tổng mức đầu tư khoảng 16.197 tỷ đồng.
Dự án thứ 4 là mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, hiện đang chờ Bộ GTVT xem xét 3 vấn đề mà UBND TP.HCM kiến nghị trước đó, gồm nghiên cứu quy mô mặt cắt ngang mở rộng, kết nối với các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM và nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối cao tốc với đường Long Phước (TP Thủ Đức); nghiên cứu đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh giải phóng mặt bằng nhiều lần.
Thứ năm là dự án Ga Bình Triệu, diện tích khoảng 41 ha, đã được Cục đường sắt Việt Nam cắm mốc giới và bàn giao cho TP.HCM quản lý.
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã thông qua Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2030; Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030 và Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Đây đều là các đề án quan trọng liên quan đến hạ tầng giao thông.