Giáo sư Toán học nổi tiếng của Việt Nam là hậu duệ của Tổng đốc Hoàng Diệu, gia đình có 7 người đỗ đạt thì 5 người là Giáo sư

Ông chính là người khai sinh lý thuyết tối ưu toàn cục trong Toán học ứng dụng.

Giáo sư Hoàng Tụy là một nhà Toán học, nhà trí thức lớn nổi tiếng của Việt Nam. Ông qua đời vào ngày 14/7/2019 tại Hà Nội, để lại một tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức và tài năng của một trí thức luôn cống hiến vì đất nước.

GS Hoàng Tuỵ trong một buổi giảng bài. Ảnh: Viện Toán học

Sinh ngày 17/12/1927 tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam, GS Hoàng Tụy xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông là cháu của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, người anh hùng dân tộc đã anh dũng bảo vệ thành Hà Nội trong cuộc tấn công của quân Pháp năm 1885. Mẹ đẻ của Hoàng Diệu cũng chính là bà cụ nội của Hoàng Tụy. Anh em ông có 7 người đỗ đạt thì 5 người là Giáo sư đại học như Hoàng Phê (Ngôn ngữ học), Hoàng Quý (Vật lý), Hoàng Kiệt (Mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (Toán học).

Ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã thể hiện niềm đam mê và thiên hướng toán học. Năm 1946, khi mới 19 tuổi, ông đỗ Tú tài toàn phần tại Trường Quốc học Huế và tự mày mò học toán qua các tài liệu bằng tiếng Pháp mà ông tìm được. Sau đó, ông ra Hà Nội để tiếp tục học tại Trường Cao đẳng Khoa học, nhưng chỉ chưa đầy hai tháng thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hoàng Tụy trở về quê, tham gia vào cuộc kháng chiến và làm giáo viên toán trong chiến khu của Liên khu 5.

Ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã thể hiện niềm đam mê và thiên hướng toán học. Ảnh: Tia Sáng

Giáo sư Hoàng Tụy được biết đến là người phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy's cut), một bước đột phá đặt nền móng cho sự ra đời của một chuyên ngành Toán học mới: lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).

Không chỉ là một nhà Toán học xuất sắc, ông còn có nhiều đóng góp quan trọng cho nền giáo dục Việt Nam. GS Hoàng Tụy đã công bố hơn 100 công trình trên các tạp chí Toán học quốc tế uy tín, với các lĩnh vực nghiên cứu đa dạng như quy hoạch Toán học, tối ưu toàn cục, lý thuyết điểm bất động, định lý minimax, lý thuyết các bài toán cực trị và quy hoạch lõm.

Giáo sư Hoàng Tụy được biết đến là người phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy's cut). Ảnh: Báo Đà Nẵng

Năm 1996, ông cùng GS Hiroshi Konno và nhà toán học trẻ Phan Thiên Thạch viết cuốn sách chuyên khảo Optimization on Low Rank Nonconvex Structures (Tối ưu hóa trên những cấu trúc không lồi dạng thấp), dài 472 trang, được nhà xuất bản Kluwer Academic Publishers in đồng thời ở nhiều nơi trên thế giới. Một năm sau, cuốn sách Convex Analysis and Global Optimization, giáo trình nghiên cứu trong lĩnh vực tối ưu toàn cục, của ông cũng được xuất bản tại Mỹ và châu Âu.

GS Hoàng Tụy và nhà Toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich - chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng toán học vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974. Ảnh: Báo Người Lao Động

Ông từng là Tổng Biên tập của hai tạp chí Toán học tại Việt Nam (1980-1990) và là Ủy viên Ban Biên tập của ba tạp chí Toán học quốc tế. Với những đóng góp to lớn của mình, GS Hoàng Tụy đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010), và Giải thưởng Constantin Carathéodory.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Hoàng Tụy và GS Lê Văn Thiêm. Ảnh: ĐHQG Hà Nội

Trong suốt sự nghiệp của mình, GS Hoàng Tụy luôn trăn trở về những vấn đề cấp bách trong khoa học và giáo dục Việt Nam. Ông là người khởi xướng cuộc chấn hưng giáo dục với phong trào "Mệnh lệnh từ cuộc sống" và đã nhiều lần thẳng thắn đóng góp ý kiến, phê phán về các vấn đề liên quan đến cải cách giáo dục.

GS Hoàng Tụy mất ngày 14/7/2019, để lại một mất mát to lớn cho gia đình, người thân và ngành toán học Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của GS là tấm gương sáng về nghị lực và tinh thần học tập không ngừng, là nguồn cảm hứng quý giá cho các thế hệ trẻ noi theo.

Trước khi ông qua đời, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp tại Viện Toán học, Tạp chí Tia sáng và nhà sách Omega đã kịp thời tập hợp những bài viết của ông để xuất bản cuốn sách “Xin được nói thẳng”, ghi dấu ấn sâu sắc về những tư tưởng và tâm huyết mà ông đã để lại cho nền giáo dục nước nhà.

TIN LIÊN QUAN