Giải cứu heo, ai “giải cứu” người tiêu dùng?

(NTD) - Mặc cho giá heo hơi ở nhiều nơi đã giảm xuống mốc 15.000 đồng/kg nhưng giá heo thịt tại siêu thị và chợ vẫn “bình ổn” ở mức 80.000-100.000 đồng/kg, bằng với thời điểm heo hơi trên 40.000đồng/kg!? Cả người tiêu dùng lẫn hộ chăn nuôi gần như chẳng được lợi gì trong chiến dịch “giải cứu heo” đang diễn ra mà bên hưởng nhiều nhất vẫn là tầng lớp trung gian…

Trả lời bức xúc của người tiêu dùng từ tuần trước về nghịch lý heo hơi đã giảm hơn 30.000 đồng/kg cùng thời điểm 2016, đại diện Sở Công thương TP.HCM bình thản cho rằng “chưa nghe các doanh nghiệp phản ảnh về việc giá heo hơi giảm sâu nên chưa điều chỉnh giảm giá bình ổn”. Còn đánh giá về việc ngày 27/4 giá thịt heo “bình ổn” mới giảm thêm… 3.000 đồng/kg, một lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM bảo rằng mức giá này đã sát giá thị trường! Tôi chưa dám cho rằng họ vô tâm hay không nắm bắt được diễn biến thị trường. Nhưng trả lời như vậy thì dư luận không thể không hỏi vai trò quản lý và điều tiết của họ để đâu?

Người tiêu dùng và người chăn nuôi gần như chẳng được lợi gì trong chiến dịch “giải cứu heo” đang diễn ra

Giá thịt heo dễ làm người ta liên tưởng tới giá xăng dầu, tăng nhanh nhưng giảm nhỏ giọt. Giá “bình ổn” thịt ba rọi được áp dụng ở các siêu thị tại TP.HCM từ ngày 1/4/2017, thời điểm giá heo hơi chưa tới 25.000 đồng/kg là 85.000 đồng/kg, chỉ giảm 8.500 đồng/kg so với mức giá “bình ổn” vào ngày 1/4/2016, thời điểm giá heo hơi lên tới 55.000 đồng/kg!? Mức giá mà một chủ trang trại heo ở Đồng Nai thốt lên với người viết “họ ăn dày quá, tụi tui muốn phá sản với đàn heo còn họ nhân dịp này hốt bạc”.

Không chỉ người nuôi, người tiêu dùng cũng đang bị lợi dụng nhân dịp giải cứu này. Tưởng rằng ủng hộ bà con chăn nuôi qua cơn bĩ cực nhưng thực tế đang giúp nhiều gian thương và kẻ cơ hội kiếm thêm tiền bất chính. Thay vì kêu gọi hay hô hào giải cứu heo, các cơ quan chức năng nên chấn chỉnh lại các đầu mối thu mua thịt heo, doanh nghiệp phân phối và nhất là thương lái.

Tôi xin chép lại một ý kiến bạn đọc: "sáng nay, tôi theo bà xã ra chợ, giá thịt heo đùi vẫn 90.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, giá thịt heo mua cũng tương đương và tất cả không thấp hơn khi chưa có lời kêu gọi toàn dân ăn thịt heo. Vậy chênh lệch vào túi ai khi giá heo hơi đã xuống dưới 20.000 đồng/kg mà giá heo thịt vẫn cao như cũ? Chắc chắn không vào túi người nuôi mà thương lái và nhà phân phối cơ hội đang lợi dụng hưởng trọn”. Còn trên các diễn đàn, nhiều người đang kêu gọi xin đừng “giải cứu” các thương lái và lò mổ!

Tôi cũng xin ghi lại câu chuyện của một cửa hàng bán bán thịt heo sạch bình ổn giá tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, để chứng minh rằng những lý do nhiều loại thuế phí, khâu trung gian nên không thể giảm giá thịt là giả dối. Cửa hàng này đang bán thịt với giá thấp hơn 25-40% so với giá thịt tại các chợ và siêu thị, dù giá heo hơi mua vào lên tới 30.000 đồng/kg, cao hơn 20-30% giá thị trường hiện nay. Họ bán thịt ba rọi chỉ có 60.000 đồng/kg, thấp hơn 22.000 đồng/kg so với giá “bình ổn” tại TP.HCM. Bán thấp như vậy nhưng ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thành viên ban tổ chức cửa hàng này cho hay “Mua cao, bán rẻ nhưng vẫn có lãi 5-10%”! Mua bán như vậy mới thực sự “giải cứu” cả người nuôi lẫn người tiêu dùng và trả giá cả về đúng vị trí.

 

Tại sao các nơi khác lại chưa thực hiện? Họ không làm được hay cố tình không làm để tiếp tục hưởng lợi trên khó khăn của người chăn nuôi và túi tiền eo hẹp của người tiêu dùng? Lời giải cho câu hỏi này chẳng khó, chỉ chưa biết đến bao giờ cơ quan quản lý mới có câu trả lời. Không chỉ với chiến dịch giải cứu heo mà cả với dưa hấu, chuối, thanh long… trước đó hay những đợt giải cứu nông sản sau này, người tiêu dùng và hộ nuôi, trồng phải là những người được “giải cứu” đầu tiên. Còn như bây giờ, tầng lớp trung gian dưới sự quản lý lỏng lẻo luôn thủ lợi nhiều nhất trên khó khăn chung. Nghịch lý ấy, trớ trêu thay lại tồn tại từ khá lâu và người tiêu dùng buộc phải hỏi rằng: Ai đang “giải cứu” mình?

Thiện Hiếu

 

Nên đọc