Đạt mốc kỷ lục 50 triệu đồng/lượng
Dường như tháng 7 là tháng của vàng. Trong những ngày đầu tháng, giá kim loại quý này tăng không biết mệt mỏi, liên tục lập các kỷ lục mới trên thị trường thế giới. Ở thị trường trong nước, giá vàng SJC không "nóng" bằng thế giới nhưng vẫn "rình rập" chinh phục mốc cao chưa từng có 50 triệu đồng/lượng.
Sau chuỗi ngày rình rập, tới sáng 7/7, giá vàng SJC đồng loạt chinh phục thành công mốc cao kỷ lục này. Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC tăng vọt, tăng khoảng 150.000 đồng/lượng lên mức 49,80 triệu đồng/lượng - 50,25 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC tăng gần 250.000 đồng/lượng lên mức: 49,94 triệu đồng/lượng - 50,22 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng chinh phục thành công mốc 50 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Giá vàng SJC niêm yết ở mức: 49,93 triệu đồng/lượng - 50,28 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Doji giao dịch ở mức: 49,93 triệu đồng/lượng - 50,18 triệu đồng/lượng.
Giá vàng vượt mốc cao kỷ lục 50 triệu đồng/lượng, khách vẫn dửng dưng. (Ảnh: Ngân Hà) |
Giá vàng SJC chính thức vượt mốc 50 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới nóng lên từng ngày. Hiện tại, trên thị trường châu Á, giá vàng đang giao dịch ở mức 1.783,9 USD/ounce, tăng gần 270 USD/ounce, tương đương 18% so với phiên cuối cùng của năm 2019.
Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ. Nhiều hãng lỡn phải phá sản hoặc đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, rất nhiều quốc gia phải tung ra các gói kích thích kinh tế. Trong bối cảnh đó, vàng lại tìm lại vị thế nơi trú ẩn an toàn.
Mặc cho thị trường vàng thế giới nóng lên từng ngày, giá vàng SJC chính thức chinh phục mốc cao chưa từng có 50 triệu đồng/lượng nhưng khách hàng vẫn khá thờ ơ. Theo khảo sát của phóng viên, trong những ngày đầu tháng 7 và đặc biệt là sáng 7/7, các cửa hàng kim hoàn vẫn vắng tanh.
Tại các chi nhánh kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vào và lượng khách bán ra hàng ngày có tỷ lệ (55% khách mua vào và 45% khách bán ra). Tỷ lệ này không đổi suốt thời gian dài qua. Điều đó cho thấy, nhà đầu tư không quá mặn mà với sức nóng của vàng.
Giá vàng vẫn tiếp tục tăng cao
Mặc dù giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng mạnh nhưng theo các chuyên gia, kim loại quý này vẫn còn dư địa để tăng lên.
Cụ thể, trong một báo cáo xuất bản tuần trước, Joni Teves, chuyên gia nghiên cứu kim loại quý tại UBS bình luận đà giảm của vàng hiện hữu sau khi xô đổ kỷ lục cao nhất thời đại được thiết lập trong năm 2011 khi khu vực đầu tư đã cải thiện với dữ liệu kinh tế cải thiện tốt hơn mong đợi.
Tuy nhiên, Joni Teves cho rằng các nhà kinh tế tại UBS không hề nhìn thấy bất cứ viễn cảnh tươi sáng nào cho đà phục hồi kinh tế. Vì vậy, môi trường này sẽ tiếp tục duy trì yếu tố tích cực cho vàng. Các chuyên gia của UBS dự báo giá vàng có thể dễ dàng vượt mốc 1.800 USD/ounce. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ở mức giá 1.800 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi sẽ đạt khoảng 50,5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia UBS dường như vẫn khá dè dặt khi dự báo xu hướng của giá vàng. TD Securities thậm chí còn tự tin hơn khi kỳ vọng giá vàng có thể đạt mốc 2.000 USD/ounce. Ở mức giá này, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 56 triệu đồng/lượng.
"Kim loại quý đã tăng trở lại và vượt mốc 1.770 USD/ounce và sẽ có màn trình diễn ấn tượng trong quý 3", các chiến lược gia thị trường tại TD Securities rất tự tin vào xu hướng của giá vàng trong các tháng tiếp theo.
Mặc dù dữ liệu việc làm mạnh mẽ nhưng tiền lương thấp hơn, sự tham gia của lao động ở mức thấp và nền kinh tế sẽ hoạt động dưới mức tiềm năng trong một thời gian, đòi hỏi kích thích tài chính nợ lớn và lãi suất chính sách thấp trong tương lai gần. Do đó, chúng tôi tựi tin với quan điểm vàng tích cực. Chúng tôi tiếp tục thấy kim loại quý sẽ đạt mốc 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2021", chiến lược gia của TD Securities khẳng định.
Ngân Hà