Cuối tuần trước, sau chuỗi ngày giảm khá mạnh, tỷ giá USD trên thị trường tự do bất ngờ tăng gần 100 đồng/USD và đạt “đỉnh” 23.950 đồng/USD. Mốc 24.000 đồng/USD đang đến rất gần. Tuy nhiên, trước khi chinh phục đỉnh cao mới, đồng bạc xanh tạm thời “nghỉ ngơi” trong phiên đầu tuần này.
Cụ thể, tại Hàng Bạc, Hà Trung, những “phố vàng” của Hà Nội, tỷ giá đang được mua bán phổ biến ở mức: 23.900 đồng/USD - 23.950 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước và đứng ở mức rất cao.
Còn trong hệ thống ngân hàng, tỷ giá USD/VND đồng loạt tăng mạnh.
Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang giao dịch ở mức 22.975 đồng/USD - 23.155 đồng/USD, tăng 15 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chốt tỷ giá giao dịch ở mức: 22.977 đồng/USD - 23.177 đồng/USD, tăng 9 đồng/USD.
Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được điều chỉnh tăng 5 đồng/USD lên 22.965 đồng/USD - 23.165 đồng/USD. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam niêm yết giá USD ở mức: 22.975 đồng/USD - 23.140 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) điều chỉnh tỷ giá tăng 20 đồng/USD lên: 22.990 đồng/USD - 23.160 đồng/USD. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cố định ở mức 22.990 đồng/USD - 23.150 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua bán đồng USD ở mức: 22.980 đồng/USD - 23.160 đồng/USD, tăng 7 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 15/3/2021 tăng lên 23.200 đồng/USD. Tỷ giá áp dụng cho ngày 15/3 đang đứng ở mức cao: 23.125 đồng/USD - 23.846 đồng/USD.
Chỉ số DXY (USD Index), thước đo giá trị của đồng đô la Mỹ (USD) so với giá trị của một rổ tiền tệ gồm các đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ đang giao dịch ở mức 91,70 điểm, tăng 0,02 điểm, tương đương 0,02%.
Giá “dậy sóng” nhưng tỷ giá trên thị trường ngân hàng vẫn thấp hơn tỷ giá trên thị trường tự do rất nhiều. Chênh lệch này đang lên tới 790 đồng/USD. Trong những ngày đầu năm 2021, con số này thường là 700 đồng/USD.
Trên thị trường thế giới, đồng USD đang nằm trong tâm điểm của giới đầu tư tài chính.
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần này khi các nhà giao dịch gây áp lực lên ngân hàng trung ương để ngăn chặn đà tăng giảm ổn định của lợi suất trái phiếu. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có khả năng bám sát thông điệp của mình rằng lợi suất cao hơn phản ánh triển vọng kinh tế tốt hơn.
“Fed đang hướng tới mục tiêu lạm phát cao hơn đồng nghĩa với lãi suất cao hơn. Tôi nghĩ rằng thị trường đã hiểu sai về Fed khi nghĩ về việc kiểm soát đường cong lợi suất”, Steven Ricchiuto, nhà kinh tế trưởng Mỹ của Mizuho, cho biết trong một bình luận.
Một số nhà đầu tư phản ánh lo ngại rằng sự gia tăng không ổn định hơn nữa trong lợi suất dài hạn có thể cản trở nền kinh tế đang phục hồi và có đòn bẩy cao, không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự gia tăng chi phí đi vay.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong một năm vào cuối tuần tuần trước. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã kết thúc ở mức kỷ lục khác vào thứ Sáu tuần trước.
Các nhà phân tích dự đoán Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ lặp lại “câu thần chú” rằng ngân hàng trung ương còn rất xa mới đạt được mục tiêu về việc làm và lạm phát trong cuộc họp báo sắp diễn ra trong ngày 17/3 tới đây.