Gia đình nhà sáng lập Nhựa Ngọc Nghĩa đồng ý bán doanh nghiệp cho đại gia Thái Lan

(CL&CS) - Ông La Văn Hoàng, nhà sáng lập CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa) cùng gia đình đồng ý bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ, mở đường cho doanh nghiệp đến Thái Lan thâu tóm Nhựa Ngọc Nghĩa.

Gia đình nhà sáng lập Nhựa Ngọc Nghĩa bán sạch cổ phiếu NNG, dự kiến thu về 1.190 tỷ đồng.

Ngày 14/3, ông La Văn Hoàng, nhà sáng lập đồng thời là ủy viên HĐQT Nhựa Ngọc Nghĩa, bà Bùi Bích Hồng (vợ của ông La Văn Hoàng) cùng hai người con là ông La Bùi Hoàng Nghĩa, Chủ tịch HĐQT và bà La Bùi Hồng Ngọc, Tổng Giám đốc đăng ký bán toàn bộ 45.399.361 cổ phiếu đang nắm giữ, tương đương 55,65% vốn điều lệ của công ty.

Đây là động thái mở đường cho Indorama Netherlands B.V. (Hà Lan) thâu tóm Nhựa Ngọc Nghĩa. Được biết, Indorama Netherlands B.V. - thành viên của nhà sản xuất nhựa PET lớn nhất thế giới Indorama Ventures đến từ Thái Lan vừa đăng ký chào mua 100% vốn cổ phần của Nhựa Ngọc Nghĩa.

Theo đó, Indorama Netherlands B.V. (INBV) đăng ký chào mua công khai 81.570.988 cổ phiếu, tương đương 100% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Nhựa Ngọc Nghĩa với giá chào mua 26.219 đồng/cổ phiếu. Để thực hiện giao dịch này INBV cần chi 2.139 tỷ đồng, tương đương 94,3 triệu USD.

Điều kiện hủy bỏ đợt chào mua công khai là số lượng cổ phiếu đăng ký không đạt tỷ lệ tối thiểu 74.720.549 cổ phiếu, tương đương 91,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Nhựa Ngọc Nghĩa. Đồng nghĩa gia đình ông La Văn Hoàng, nhà sáng lập Nhựa Ngọc Nghĩa và nhà đầu tư nước ngoài Tempel Four Ltd sở hữu 35,95% đồng loạt bán hết cổ phiếu của công ty này.

Gia đình nhà sáng lập La Văn Hoàng và Empel Four Limited sở hữu 91,6% vốn điều lệ của Nhựa Ngọc Nghĩa.

INBV được thành lập vào năm 2011 tại Hà Lan với vốn điều lệ 18.000 EUR, tương ứng 458 triệu đồng (theo tỷ giá ngày 23/2/2022 của BIDV). INBV có ngành nghề kinh doanh chính là tài chính, sản xuất sợi nhân tạo. Theo chuẩn mực kế toán tại Thái Lan, tình hình tài chính tại thời điểm 31/12/2020 của INBV là 10,4 tỷ EUR tổng tài sản; 8,4 tỷ EUR tổng nợ phải trả; 2 tỷ EUR vốn chủ sở hữu.

Còn Nhựa Ngọc Nghĩa được thành lập từ năm 1986 tại TP.HCM, là doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa, chủ yếu là chai nhựa PET dùng làm bao bì trong công nghiệp thực phẩm, nước giải khát, gia dụng, y tế và hóa chất… với công suất 5,5 tỷ đơn vị phôi, chai, bao bì nhựa PET. Khách hàng của Nhựa Ngọc Nghĩa là Vinamilk, Unilever, Coca Cola.

Năm 2021, Nhựa Ngọc Nghĩa đạt 1.855 tỷ đồng doanh thu thuần, 104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 11,5% và 23,3% so với năm 2020; vượt 3,9% kế hoạch doanh thu và 14,9% kế hoạch lợi nhuận.

Đóng cửa phiên giao dịch sáng 15/3, cổ phiếu NNG của Nhựa Ngọc Nghĩa đạt 24.500 đồng/cổ phiếu (thấp hơn giá chào mua của INBV) giúp vốn hóa đạt 1.998 tỷ đồng. Ở mức giá này, cổ phiếu NNG giao dịch ở mức P/E = 19,3 lần và P/B = 1,5 lần.

TIN LIÊN QUAN