Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, đã có 79.673 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng TP.HCM có 12.071 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm, đây là con số kỷ lục trong giai đoạn 2016 - 2021. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823 doanh nghiệp, tăng 0.8% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 doanh nghiệp, chiếm 37,7%); Xây dựng (5.491 doanh nghiệp, chiếm 13,6%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 doanh nghiệp, chiếm 11,7%), dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, kinh doanh bất động sản… Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 36.436 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự sụt giảm trong cả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường nước ngoài. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu xét riêng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thì có mức tăng trưởng dương, đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay, có 28 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và tạm ngừng kinh doanh.
Mặc dù vậy, có thể cho thấy xu hướng thanh lọc mạnh mẽ tiếp tục diễn ra ở các ngành nghề, điều này phản ánh thông qua việc những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất. Điều này cho thấy, khủng hoảng, khó khăn hay các yếu tố tiêu cực cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp tự làm mới mình và tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh hơn trong tương lai.