Vụ hoả hoạn xảy ra vào hồi 7h15 sáng 7/2/2023 tại khu vực gầm cầu Thăng Long thuộc địa bàn xã Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ngọn lửa bất ngờ bùng phát, thiêu rụi bãi phế liệu (nhựa đã qua sử dụng) có diện tích khoảng 100m2 khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang.
Ngọn lửa của vụ cháy đã lan ra rất nhanh, khói đen bốc lên bao trùm cầu Thăng Long, làm gián đoạn đến tình hình giao thông của khu vực này, rất may không có thiệt hại về người.
Nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn, mất an toàn của những bãi phế liệu dưới chân cầu Thăng Long, lực lượng liên ngành huyện Đông Anh và xã Hải Bối (Hà Nội) đã ra quân xử lý những lán xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng, phế liệu trái phép dưới khu vực này.
Theo ghi nhận của PV Chất lượng và cuộc sống, hầu hết các biển thông báo mà người dân tự ý dựng lên (khu vực gầm cầu đường sắt dẫn lên cầu Thăng Long, địa phận xã Hải Bối) đã được dỡ bỏ.
Tuy nhiên một số địa điểm tập kết vật liệu vẫn còn nguyên, chưa di chuyển ra khỏi khu vực vi phạm. Hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở vật liệu, quán rửa xe... vẫn còn hoạt động. Các quán ăn, bãi giữ xe vẫn hoạt động bình thường ngay dưới chân cầu.
Nhiều cơ sở xây dựng cổng kiên cố, rào cứng bên ngoài bằng tôn. Nhiều khu vực gần như đã không còn rào sắt, được trưng dụng làm bãi sửa chữa, làm lốp ô tô. Những bãi này luôn chất đầy những vật liệu dễ cháy nổ, gây mất an toàn.
Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành văn bản hợp nhất số 333 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó có quy định không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.
Có thể thấy, vụ hoả hoạn ở khu vực gầm cầu Thăng Long chỉ là 1 trong nhiều vụ việc điển hình gây hậu quả khôn lường trong việc đất công bị “xẻ thịt”, sử dụng không đúng mục đích gây ra những phiền toái. Vậy những hệ lụy của sự tùy tiện, buông lỏng quản lý đất công xét cho cùng, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những việc như này?
Dưới đây là một số hình ảnh gầm cầu Thăng Long bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh, bãi tập kết: