Chiến thắng Điên Biên Phủ đã đi qua được 70 năm nhưng những chứng tích trên chiến trường năm xưa, gắn liền với sức mạnh đoàn kết, lòng quả cảm, khí thế hào hùng của quân, dân ta vẫn còn vẹn nguyên trên vùng đất Điện Biên và trường tồn cùng non sông, đất nước.
Từng dãy hào sâu, hầm lô cốt của quân Pháp trước kia trên đồi A1 đã mọc rêu xanh rì, hàng cây dẫn lên đồi theo năm tháng thân cây đã to hơn một người ôm, tỏa tán xach biếc, che mát cho du khách về thăm di tích.
Cạnh đó, phần mộ của các chiến sỹ thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 chiến đấu, hy sinh vào rạng sáng ngày 1/4/1954 luôn nghi ngút khói hương do du khách thập phương thắp hàng ngày.
Từ cứ điểm A1, đi qua cầu Mường Thanh, du khách sẽ tới hầm Đờ Cát. Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Hầm được thiết kế xây dựng bằng những vật liệu vững chắc nhất lúc bấy giờ, có khả năng chống chọi với nhiều loại hỏa lực. Nóc hầm lợp bằng các tấm ghi thép hình vòm, bên dưới là những bao cát xếp chồng lên nhau.
Hầm Đờ Cát dài 20m, rộng 8m, bao gồm bốn gian. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm của viên tướng bại trận này là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Vì là cơ quan đầu não nên hầm Đờ Cát được xây dựng với công sự kiên cố. Căn hầm được ví là “trái tim”, “linh hồn” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc. Ngoài ra, hầm Đờ Cát còn được bảo vệ bằng tất cả các vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ.
Hiện nay, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn được giữ nguyên. Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao như Thủ tướng Pháp Joseph Laniel, Tổng thống Mỹ cũng như các nhà báo quốc tế.
Theo sử sách, trận đồi A1 là trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Phải tới ngày 6/5/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam mới hoàn tất việc chiếm đồi.
Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, ông Tạ Quốc Luật - Chỉ huy trưởng, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 bắt sống tướng Đờ Cát tại chính bàn làm việc trong căn hầm chỉ huy. Tướng Đờ Cát và 20 sĩ quan tùy tùng đầu hàng vô điều kiện, cùng đi ra khỏi căn hầm giữa 2 hàng súng của các chiến sĩ quân đội Việt Nam.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử". Di tích Điện Biên Phủ được xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt.