Đưa sản phẩm nghề truyền thống vươn xa

(CL&CS) - Những sản phẩm của làng nghề truyền thống đã và đang ngày càng hấp dẫn du khách trong và nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ qua từng sản phẩm đặc trưng. Để làng nghề phát triển ổn định, bền vững rất cần một sự đột phá trong tư duy, cách làm và quảng bá sản phẩm.

Luôn luôn đổi mới, sáng tạo

Hà Nội có tới 1.350 làng nghề, trong đó có tới 308 làng nghề truyền thống, là địa phương có số lượng làng nghề và nghệ nhân đông nhất của cả nước. Trong hơn 15 năm qua, Hiệp hội Thủ công mỹ nghề và Làng nghề Hà Nội luôn là nơi giao lưu, học hỏi của các hội viên, là cầu nối để các hội viên được tiếp cận nhanh nhất với cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố Hà Nội.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang giới thiệu mặt hàng thủ công mây tre đan Phú Vinh cho du khách.

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, trong thời gian qua, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cũng đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới để hợp lý hóa trong sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới có tính cạnh tranh, nâng cao được giá trị sản phẩm.

Theo bà Hà Thị Vinh, những người làm nghề trong các làng nghề truyền thống của Thủ đô, có nhiều người là hậu duệ đời thứ 15, 16 trong 19 dòng họ gốc sinh sống tại làng gốm cổ Bát Tràng, đã cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề của ông cha tổ nghiệp cũng như khai thác thật nhiều các câu chuyện cổ tích bất tận về nghề, về sản phẩm nghề để phục vụ cho du lịch cộng đồng trong các làng nghề truyền thống của Thủ đô, nhằm góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương và Thành phố.

Là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan truyền thống, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang với mong muốn phát triển làng nghề, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong làng, đã nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, đặc biệt là thay đổi cách quảng bá thương hiệu để nhiều người biết đến sản phẩm làng nghề hơn. Bên cạnh đó, anh cũng tập trung cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, áp dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối với khách hàng.

“Thay vì quảng bá sản phẩm bằng cách truyền miệng, tôi đã đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng bằng việc lập trang Facebook và trang web để nhiều người có thể tìm đến dễ dàng hơn. Đặc biệt, tôi cũng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội trợ, lễ hội để người dân được tiếp cận gần với sản phẩm hơn”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang cho biết.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại

Để giúp các hội viên đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cũng đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức các hội chợ quốc tế như: Hội chợ megashow tại Hồng Kong (Trung Quốc), Hội chợ thủ công mỹ nghệ tại thành phố Frankfurt - Cộng hòa liên bang Đức, Hội chợ tại Mỹ, Italia, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia.

Đặc biệt, sau 2 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Trung ương đã lựa chọn được 20 bộ sản phẩm đạt 5 sao cho toàn quốc. Trong đó, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội có 4 bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu làng nghề không chỉ là quảng bá tiêu thụ sản phẩm, còn giúp phát triển du lịch. Hướng đi mới này cũng là cơ hội và là một trong những ưu tiên hàng đầu để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm quà lưu niệm du lịch mang tính đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Tại Đại hội đại biểu Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội lần thứ IV nhiệm kỳ 2022 - 2027 được tổ chức vừa qua, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội trong những năm qua đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng nghề Thủ đô nói riêng và kinh tế xã hội của Hà Nội nói chung.

Đặc biệt, Chương trình OCOP Hà Nội đã thổi một luồng sinh khí mới giúp cho các chủ thể sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, phố nghề của Thủ đô nhận thức sâu sắc để thay đổi tư duy sản xuất, bộ tiêu chí chấm sao đã giúp các chủ thể tự hoàn thiện, thay đổi tích cực hệ thống hóa, hợp lý hóa trong quá trình sản xuất để đạt được sao cao trong bộ tiêu trí mà Thành phố đề ra.

“Sản phẩm OCOP còn là nơi để các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử cửa hàng trăm năm, hàng ngàn năm được lưu giữ trong mỗi làng nghề. Từ hàng nghìn, hàng vạn các câu chuyện này đi cùng năm tháng của dòng chảy lịch sử trong các làng nghề, phố nghề là sản phẩm, hấp dẫn hy vọng sẽ được khai thác đồng hành cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh./.

TIN LIÊN QUAN