Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là một trong ba góc của tam giác phát triển TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp, hiện Đồng Nai đã có hơn 30 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Toàn tỉnh có trên 1,6 ngàn dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 34 tỷ USD.
Ngành KHCN đã sớm tập trung triển khai các chương trình phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chăn nuôi và sản xuất nông sản. Nhiều trường đại học, cao đẳng chọn Đồng Nai làm nơi xây dựng cơ sở. Những yếu tố trên là tiền đề, tạo điều kiện thuận lợi để KHCN Đồng Nai có điều kiện phát triển.
Xác định được những lợi thế của tỉnh, ngành KHCN đã sớm tập trung triển khai các chương trình phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành KHCN đã có nhiều đột phá về đổi mới cơ chế tuyển chọn, đặt hàng các nhà khoa học trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp bách, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành này đã góp phần nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KHCN khi ứng dụng vào thực tiễn.
Để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, Sở KHCN đã triển khai các chương trình hỗ trợ “Chương trình KHCN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong quá trình hội nhập giai đoạn năm 2016-2020”. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.
Sở tập trung hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tập trung đẩy mạnh đăng ký xác lập quyền và phát triển tài sản trí tuệ đối với đặc sản địa phương. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 4-5-2024 Phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.
Trong công tác quản lý nhà nước về công nghệ, 3 năm qua, sở tiếp nhận và xử lý 41 hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ của 25 doanh nghiệp, cụ thể là 28 hồ sơ đăng ký mới, 13 hồ sơ đăng ký gia hạn, sửa đổi bổ sung. Các lĩnh vực chuyển giao công nghệ liên quan đến: sản xuất sản phẩm công nghiệp, linh kiện ô tô, xe máy; sản xuất bao bì; thiết bị y tế; điện, điện tử; y tế; thực phẩm…
Ngoài ra, sở tham mưu thẩm định hơn 1,8 ngàn sáng kiến quản lý nhà nước, giáo dục, y tế của cá nhân để công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh, cấp toàn quốc.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thúc đẩy ĐMST, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ... đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Theo Giám đốc Sở KHCN Lại Thế Thông, Đồng Nai chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, tập trung vào các hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, chú trọng hỗ trợ hoạt động KHCN và ĐMST. Năm 2023, Bộ KHCN đánh giá chỉ số ĐMST Đồng Nai xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố, xếp hạng 4/7 trong vùng Đông Nam Bộ. Đồng Nai phấn đấu vào năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm KHCN lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt trình độ tiên tiến của khu vực trên một số lĩnh vực. KHCN và ĐMST thực sự là động lực, tác động vào quá trình phát triển, đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, từ nay cho đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ngành KH&CN Đồng Nai mong muốn nhận được sự chung tay góp sức của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.