Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp
Trong một diễn đàn mới đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ: “Các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp nhưng họ đang hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp khác”.
Tính đến nay, hệ thống ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ảnh hưởng của ngân hàng có độ trễ, qua thời gian mới thấy rõ. Trước mắt năm 2021, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 30% tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng, bên cạnh đó là nợ nhóm 1 cũng có thể bị ảnh hưởng, bởi khó khăn của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì nguy cơ nợ xấu trong tương lai rất cao. Ngoài ra, các khoản lãi dự thu, nếu không thu được thì vẫn phải thoái thu. Như vậy, có thể nhìn thấy rõ khó khăn trong tương lai của các tổ chức tín dụng.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Thông tư 01 và các lần sửa đổi bằng Thông tư 03, Thông tư 14 về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bản thân các ngân hàng thương mại cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng chính khả năng của mình. Cụ thể, các tổ chức tín dụng tự củng cố nguồn lực bằng cách chuyển đổi cơ cấu nguồn thu, tích cực chuyển đổi số, tăng xử lý nợ xấu… qua đó có nhiều dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Thực tế, các tổ chức tín dụng đã hy sinh lợi nhuận tổng cộng là 28.000 tỷ đồng, trong đó 26.000 tỷ đồng là giảm lãi suất cho vay và khoảng 2.000 tỷ đồng là giảm phí. Đây là việc thực, con số thực chứ không phải câu chuyện lên tivi như mọi người vẫn nói” - TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Khi ngân hàng và doanh nghiệp đều đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chính sách cần những bước đi thận trọng. Với quan điểm cộng sinh và cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng ngân hàng sẽ còn tiếp tục chịu hệ quả về sau. Do đó, ngân hàng cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng giúp chính sách được dài hơi, kịp thời và hiệu quả.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phải đảm bảo cân bằng 2 mục tiêu giữa tăng cường khả năng tiếp cận vốn để đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống. Nếu các ngân hàng đưa tín hiệu quá “dễ dãi”, doanh nghiệp sử dụng vốn vay không tốt sẽ tạo ra hệ lụy cho nền kinh tế.
Nên có những chính sách đặc biệt
Theo các chuyên gia, tài chính được ví như "mạch máu" duy trì sự sống của doanh nghiệp, chính vì vậy, thiếu vốn là một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt lúc này.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, dư địa hỗ trợ doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng gần như cạn kiệt nên muốn để ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách mới vượt thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Hùng nêu gợi ý, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần có cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP (sau này là Nghị định 116/2018/NĐ-CP), trong đó có quy định trường hợp khoanh nợ khi có thiên tai dịch bệnh. Với trường hợp doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cũng nên có những chính sách đặc biệt, riêng có.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần vào cuộc, đối thoại với doanh nghiệp từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp. Chính sách tài khóa phải vào cuộc, đẩy mạnh bảo lãnh để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính sách tài khóa, như đẩy mạnh bảo lãnh để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay. Để có nguồn lực giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không chỉ dùng chính sách tiền tệ.
Vai trò của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cũng cần được nâng cao. Cùng với đó là sự đồng bộ của các chính sách hỗ trợ, để chung tay cùng hệ thống ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch.
Ngoài chính sách hỗ trợ, theo các chuyên gia, thủ tục áp dụng cũng cần được thiết kế thật đơn giản, dễ áp dụng, đừng để doanh nghiệp phải cân nhắc giữa số tiền được hỗ trợ với thời gian và công sức mà doanh nghiệp bỏ ra có đáng phải làm hay không.