Ngày 30/8, Ban Điều hành Gói thầu XL1 thuộc dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét đã hoàn thành 100m thi công đầu tiên phía Nam hầm số 2 của hầm đường sắt Khe Nét.
Theo báo cáo của Ban Điều hành, đến nay, liên danh nhà thầu đã huy động hơn 200 nhân sự cùng với hơn 40 máy móc, thiết bị chuyên dụng, triển khai đồng loạt 4 mũi thi công bao gồm: đào, gia cố cửa hầm và hầm chính. Tổng sản lượng thực hiện đã đạt 55 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Duy Sông - Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL1 cho biết, theo kế hoạch, mặt bằng thi công phải được bàn giao trước ngày khởi công (1/2/2024). Tuy nhiên, thực tế đến cuối tháng 5/2024, chủ đầu tư mới bàn giao toàn bộ mặt bằng, khiến nhà thầu phải nỗ lực vượt bậc để thi công vượt tiến độ.
“Hai hầm đường sắt Khe Nét có tính đặc thù khi chạy men theo sườn núi, tầng phủ mỏng và địa chất phức tạp, thay đổi liên tục, không theo đúng thiết kế kỹ thuật ban đầu. Liên danh nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ với tư vấn giám sát để khảo sát và đưa ra các giải pháp gia cố phù hợp với điều kiện địa chất thực tế", ông Nguyễn Duy Sông chia sẻ.
Để đảm bảo tiến độ, liên danh nhà thầu đã nỗ lực không ngừng, chủ động đưa ra các giải pháp kịp thời để giải quyết các khó khăn và vướng mắc. “Chúng tôi đã tăng cường công tác đào tạo nội bộ để nâng cao năng suất lao động cho cán bộ kỹ sư và công nhân, tổ chức thi công liên tục theo mô hình ‘3 ca, 4 kíp’. Mục tiêu của chúng tôi là đến tháng 11/2024 sẽ hoàn thành việc đào thông hầm số 2, vượt tiến độ 2 tháng, sau đó tiến hành đổ bê tông và hoàn thiện hầm 2 trước tháng 9/2025, và hoàn thành hầm 1 vào tháng 11/2025", Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu cho biết.
Gói thầu XL1 thuộc dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, bao gồm việc xây dựng hai hầm đường sắt với tổng chiều dài 935m, dự kiến thực hiện trong 23 tháng.
Dự án do liên danh Công ty Ilsung và Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, trong đó hầm số 1 dài 620m, hầm số 2 dài 393m, với khổ hầm 10m, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.
Được biết, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, dài 7km, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Hiện tại, đoạn đường sắt qua đèo Khe Nét đi qua 32 khúc cua hẹp, phải sử dụng ray hộ bánh. Tàu khách qua đây chỉ có thể chạy với tốc độ 20-25km/h (trong khi tốc độ trung bình trên toàn tuyến là khoảng 76km/h) và tàu hàng phải sử dụng thêm đầu máy đẩy mới có thể vượt qua.
Việc xây dựng hầm đường sắt chạy thẳng xuyên qua lòng núi ở đèo Khe Nét sẽ giúp xóa bỏ những khó khăn này, đồng thời tăng cường an toàn cho tuyến đường sắt.
Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM của Việt Nam đã được trang cẩm nang du lịch Lonely Planet xếp hạng là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới vào tháng 5/2023.
Trước đó, vào năm 2018, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng từng lọt vào danh sách 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới do chính Lonely Planet bình chọn.
Lonely Planet mô tả tuyến đường sắt Bắc - Nam là một trong những tuyến đường sắt được yêu thích nhất tại Đông Nam Á. Trên hành trình kéo dài hai ngày từ Bắc vào Nam, hành khách sẽ trải qua những phố thị ồn ào, sôi động đến những vùng nông thôn yên bình.
Quảng Bình là tỉnh có chiều rộng hẹp nhất Việt Nam theo hướng Đông - Tây, chỉ 40,3 km. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM đi qua địa phận tỉnh này có nhiều đoạn hiểm trở, đặc biệt là đoạn qua đèo Khe Nét.
Đèo Khe Nét với địa hình phức tạp, hiểm trở, nằm trên địa phận xã Hương Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, có chiều dài hơn 10 km với 43 đường cong nguy hiểm, độ cao hơn 700m so với mực nước biển và độ dốc khoảng 17 phần nghìn.
Đèo nằm giữa ga Vinh (Nghệ An) và ga Đồng Hới (Quảng Bình). Từ Vinh lên đến đỉnh đèo phải mất khoảng 200km. Đặc biệt, đoạn đường sắt khu vực đèo Khe Nét tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM.
Việc thực hiện dự án này có ý nghĩa rất lớn đối với ngành đường sắt nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giúp giải quyết một trong năm nút thắt chính của tuyến đường và hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập ngành đường sắt vào năm 2026.