Đồng Tháp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đặc sản theo địa phương

(CL&CS) - Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất một sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tên địa danh. Ngoài ra, có ít nhất 5 vùng sản xuất nông sản chủ lực được phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, bao gồm vùng sản xuất xoài xã Tịnh Thới (TP Cao Lãnh); vùng sản xuất trọng điểm cây có múi 3 xã Tân Thành, Long Hậu, Tân Phước (huyện Lai Vung); vùng sản xuất hoa màu trọng điểm, xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò); vùng nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển (huyện Tháp Mười); vùng trồng khoai lang xã Hòa Tân (huyện Châu Thành).

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài, chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen trở thành thương hiệu quan trọng của tỉnh. Đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng như EU, Trung Quốc, Nhật Bản.

Xoài cát chu, đặc sản của huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp đã được xuất khẩu sang Mỹ.

Kế hoạch còn đề ra mục tiêu xây dựng ít nhất 2 quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nông sản chủ lực; xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp; ký ít nhất 2 hợp đồng tiêu thụ, thỏa thuận hợp tác dài hạn với những đối tác thương mại lớn trong xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh.

Ngoài ra, hình thành ít nhất 2 phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực tại các tỉnh, thành phố lớn; duy trì ổn định và có hiệu quả 2 trung tâm giới thiệu, trưng bày nông sản tỉnh Đồng Tháp tại Hà Nội và Kiên Giang (Phú Quốc). Hỗ trợ các doanh nghiệp vận hành, hoặc tham gia các phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực trong và ngoài nước; nghiên cứu xây dựng ít nhất 3 đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.

Các nông sản chủ lực ưu tiên hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu là lúa - gạo, xoài, hoa - kiểng, cây có múi, nhãn, khoai lang, sen, kiệu, khoai môn, cá tra, cá điêu hồng, cá sặc rằn, khô cá lóc, lươn, vịt hướng trứng.

Để làm được những việc này, người nông dân đang cần địa phương đẩy mạnh hỗ trợ hơn về kỹ thuật từ các giai đoạn hỗ trợ tất cả các khâu trồng, ra hoa, bao trái, thu hoạch.

Hiện lãnh đạo tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình hội quán liên kết chia sẻ về kỹ thuật trồng trọt đảm bảo kích cỡ, màu sắc hoa văn họa tiết nhằm hướng đến các sản phẩm vừa chất lượng ăn ngon và bắt mắt người tiêu dùng..

TIN LIÊN QUAN