Doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp dệt may giảm mạnh

(CL&CS) - Trong quý đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp dệt may có kết quả kinh doanh kém khả quan khi đang ở giai đoạn khó khăn nhất bởi đơn hàng liên tục giảm mạnh, hàng loạt thị trường xuất khẩu lớn chưa có tín hiệu phục hồi...

TNG là đơn vị hiếm hoi cho biết doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 lần lượt tăng gần 6% và 14% so với cùng kỳ

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 108,5 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương mức giảm 14,5 tỷ USD). Cả 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của nước ta đều có kết quả đi xuống; trong đó dệt may là ngành giảm mạnh nhất với 19,3%, giá trị xuất khẩu lũy kế 4 tháng chỉ đạt hơn 9,5 tỷ USD.

Bối cảnh trên đã phản ánh những bước khởi động đầy rối ren của các doanh nghiệp dệt may trên sàn với kết quả kinh doanh quý 1/2023 không mấy khả quan, hầu hết tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ.

Doanh thu và lợi nhuận ghi nhận giảm mạnh

Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ vừa thông báo lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2023 chỉ vỏn vẹn ở mức 1,6 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện công ty cho biết, trong quý 1/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do khách hàng trực tiếp lẫn gián tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý có tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn không bù đắp được sự sụt giảm lợi nhuận.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Đặng Triệu Hoà, Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết tiến trình phục hồi của công ty chậm hơn một quý so với kế hoạch, do đó, kết quả quý 1/2023 sẽ không có nhiều khởi sắc, sự phục hồi có thể bắt đầu từ quý 3 và bình thường trở lại trong quý 4/2023.

Với việc doanh thu đi lùi 29% do giảm sản lượng xuất hàng, lãi ròng quý 1 của May mặc Bình Dương (BDG) thấp hơn 75% so với cùng kỳ, còn gần 16 tỷ đồng.

“Ông lớn” Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng không ngoại lệ khi lao dốc cả về doanh thu (giảm 14% so với cùng kỳ) và lãi ròng (giảm 72%, còn hơn 56 tỷ đồng).

Vinatex cho hay, tiếp nối những khó khăn của thị trường từ cuối năm 2022, sang đầu năm 2023, ngành sợi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tương tự, CTCP May Sông Hồng (MSH) báo cáo doanh thu và lợi nhuận 3 tháng đầu năm giảm lần lượt 51% và lợi nhuận 67%, nguyên nhân là do đơn hàng sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng. Sau thuế, lợi nhuận giảm còn 27,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là gần 82 tỷ đồng.

Cũng trong quý 1/2023, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) báo doanh thu thuần 876 tỷ đồng và lãi ròng 55 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 26% so với cùng kỳ.

Hay như CTCP May Việt Tiến (VGG) cũng trầy trật khi lợi nhuận quý 1 bốc hơi từ 30 - 60%, xuống còn lần lượt gần 35 tỷ đồng, 55 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.

Thê thảm hơn, CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) còn báo lỗ sau thuế 20,6 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước (lỗ 8,1 tỷ đồng). Doanh thu sụt giảm tới 94%, chỉ còn 7,9 tỷ đồng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đơn hàng lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp.

Không chỉ tiếp tục ghi nhận lỗ trong quý đầu năm, mới đây, HOSE đưa ra thông báo cổ phiếu này sẽ bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/04.

Cùng cảnh ngộ, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL) công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với mức lỗ lên tới gần 39 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử niêm yết của công ty.

Hiếm hoi báo lãi

Chiều ngược lại, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cho biết doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 lần lượt tăng gần 6% và 14% so với cùng kỳ, bất chấp các khó khăn chung toàn ngành dệt may.

Theo giải trình của TNG, bên cạnh sự cải thiện của mảng cốt lõi, công ty còn ghi nhận thêm khoản lợi nhuận 3,3 tỷ đồng từ công ty con TNG Land.

Tổng Công ty May 10 (M10) có lãi ròng quý 1 tăng 1%, lên hơn 23 tỷ đồng. Dù chỉ là mức tăng trưởng nhẹ, đây vẫn là kết quả đáng khích lệ giữa lúc thị trường đầy ảm đạm và tiêu cực như hiện nay.

Nhận định về năm 2023, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 nhận định, năm nay được coi là năm nhiều thách thức với ngành dệt may, tổng cầu suy giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, đơn hàng ngắn, quy mô nhỏ… ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh.

TIN LIÊN QUAN