Doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ mất đơn hàng

(CL&CS) - Theo Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, đang đứng trước nguy cơ mất thị trường, khách hàng.

Doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khách hàng

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay đã có dấu hiệu cho thấy nhiều khách hàng ngưng đơn hàng mới hoặc xem xét điều chuyển đơn hàng sang khu vực khác.

“Nếu không có giải pháp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sớm quay trở lại sản xuất ngay từ bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất”, bà Xuân lo ngại.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng lo lắng cho rằng: "Chúng tôi rất lo trong tháng 10, 11 không có nguyên liệu để chế biến, trả các đơn hàng xuất khẩu phục vụ các lễ hội cuối năm như Noel, đón mừng năm mới ở Mỹ, châu Âu”.

Hiện tại, Minh Phú đang nợ rất nhiều đơn hàng và đối tác đang hối thúc. Doanh nghiệp chỉ mong có đủ nguyên liệu để trả hết các đơn hàng cũ, không dám nhận thêm đơn mới.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), thì dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng nhân lực bị đứt gãy, hiện nay, bài toán nhân lực lao động và nguyên liệu sản xuất đang làm đau đầu doanh nghiệp, khi gần cuối năm - thời điểm các doanh nghiệp phải hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.

“Hiện nay, nhiều khách hàng đã hỏi doanh nghiệp khi nào có thể khôi phục lại sản xuất bình thường và cung ứng hàng cho họ. Nếu không trả lời được câu hỏi này, các nhà mua hàng sẽ chuyển đi mua chỗ khác” - ông Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (Đồng Nai) cho biết: “Công ty có 2 nhà máy sản xuất các loại chăn, drap, gối, đệm nhưng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi nên 1 nhà máy ở TP.Biên Hòa nằm trong vùng phong tỏa phải tạm dừng sản xuất, nhà máy ở huyện Vĩnh Cửu chỉ duy trì công suất khoảng 20-30% do một số công ty cung ứng nguyên liệu ở TP.HCM, Bình Dương tạm dừng sản xuất. Công ty rất lo lắng dịch kéo dài sẽ khó nhận được đơn hàng cuối năm”.

Trước tình hình này, nếu Việt Nam không kịp thời dập được dịch và khôi phục sản xuất công nghiệp vào giữa tháng 9-2021, sẽ mất đi rất nhiều đơn hàng cho dịp cuối năm và đầu năm sau.

Nếu các đơn hàng bị “rút” đi, sau này các doanh nghiệp tại Việt Nam rất khó khăn trong tìm đơn hàng mới để phục hồi sản xuất. Trong tình huống nếu thiếu đơn hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ đóng cửa rất lớn và kéo theo hàng trăm ngàn lao động không có việc làm.

Nếu các đơn hàng bị “rút” đi, sau này các doanh nghiệp tại Việt Nam rất khó khăn trong tìm đơn hàng mới để phục hồi sản xuất.

Xuất khẩu tháng 8 “ngấm đòn” COVID-19

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Cũng trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái với nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt gần 2 tỷ đô (giảm 11,2%); nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 231 triệu đô (giảm 33,2%); nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,06 tỷ đô (giảm 3,3%).

Theo Bộ, trong tháng 8, làn sóng dịch COVID-19  lần thứ 4 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ cũng cho rằng, các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương, đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng", Bộ Công Thương lo ngại.

Trong khi đó, cơ hội với xuất khẩu Việt Nam là rất lớn khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Trong đó, việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do  (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện, Bộ đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ, thị trường ngách và thị trường thương mại điện tử.

TIN LIÊN QUAN