Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 369.437.778 USD, giảm 15,64% so với nửa đầu tháng 11/2021. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/11 đạt 9,752 tỷ USD, tăng 29,74% so với cùng kỳ năm 2021, còn 248 triệu USD là chạm mốc 10 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và đang bỏ xa mốc 9 tỷ USD của cả năm 2018. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ thiết lập mốc kỷ lục 11 tỷ USD…
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP cho biết, năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến đi biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu không thể ra khơi.
Đặc biệt, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng vọt ở các thị trường nhập khẩu chính cũng tác động tiêu cực tới xuất khẩu hải sản của Việt Nam.
Theo TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam thì đà tăng trưởng khá mạnh mẽ ngành thủy sản đã bị ngắt ngang từ quý 4. Thậm chí những tháng cuối năm này doanh số xuất khẩu tôm còn có thể thấp hơn cùng kỳ năm trước.
"Tình hình đã được dự báo khá sớm, và không tránh khỏi. Không ít các doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình hình là bị đối tác hoãn giao đơn hàng đã ký kết; thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận; chậm chạp trong việc trao đổi kế hoạch kinh doanh năm sau…". Chủ tịch HĐQT FIMEX cho biết.
Cũng theo TS Lực, không riêng thủy sản, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác như gỗ, giày da, may mặc… cũng trong hoàn cảnh tương tự. Các doanh nghiệp này thiếu đơn hàng khá trầm trọng, dẫn đến phải cắt giảm lao động. Còn hơn hai tháng tới Tết mà bị thất nghiệp, còn nỗi xót xa nào hơn cho người mất việc bất ngờ. Hàng tiêu dùng có thể chưa mua sắm vội, nhưng thực phẩm phải cần hàng ngày, chỉ là giảm thiểu thôi, cho nên cắt giảm lao động chưa diễn ra ở các doanh nghiệp thủy sản, cũng có chút an ủi điểm này.
TS Lực cho rằng, cái khó cho doanh nghiệp không đơn thuần là đơn hàng, là việc làm, là thu nhập người lao động khi Tết tới. Các doanh nghiệp có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây. Các doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Không giao hàng theo kế hoạch, hàng tồn kho thì lấy đâu tiền trả nợ khi tới hạn.
Theo ông Lực thì giải pháp không ai muốn là phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có cái chứng minh luân chuyển dòng tiền. Nhưng đó là vòng tròn đi xuống, khó khăn tài chính sẽ tránh được chút mắc mứu trước mắt nhưng hệ quả thì không lường, khi lạm phát và cạnh tranh quốc tế chưa hẹn điểm dễ thở hơn. Lỗ sẽ kéo dài… Tình hình này đã diễn ra ở cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008, hệ quả sau đó ít năm, khá nhiều doanh nghiệp thủy sản đã bỏ cuộc chơi, thậm chí có doanh nghiệp lớn.
Đối sách bây giờ không có bài bản nào thống nhất, tùy thuộc hoàn cảnh từng doanh nghiệp. Trước mắt là tập trung trao đổi, đàm phán khách hàng tìm cách giảm thiểu khó khăn, thiệt hại và có chia sẻ cho nhau.
Tiếp theo, các doanh nghiệp nên bình tĩnh xem xét điểm mạnh, yếu của mình một cách thẳng thắn. Qua đó biết cách đi sắp tới sao cho hạn chế thiệt thòi và tăng ưu thế. Thí dụ xem xét sách lược thị trường (không đối đầu thị trường có đối thủ thể hiện quá mạnh so với mình), sản phẩm (lao động mình có kỹ năng tốt nhất cho sản phẩm nào thì có chú trọng quảng bá tiêu thụ sản phẩm đó chẳng hạn dù đây là giải pháp ngắn hạn và không cơ bản) và nhất là phải tinh gọn mọi mặt từ bộ máy, dây chuyền sản xuất, các định mức tiêu hao… Có nghĩa là coi trọng giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh cho mình.
“Dù khó khăn, cả ngành thủy sản vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2022 đã đề ra. Nhưng với tình hình chung thế giới hiện nay, cho thấy sự tăng trưởng, phát triển đang diễn ra không thể nói là bền vững. Độ co dãn chịu đựng khá mỏng, cho cả con cá tra lẫn con tôm, là hai sản phẩm chủ lực chiếm trên 60% tỷ trọng xuất khẩu ngành. Đây là một bài học các bên liên quan phải nhìn nhận và có hướng xử lý cho trước mắt lẫn dài hạn, không thể chậm hơn nữa, ông Lực nhấn mạnh.
Tại công văn VASEP gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng cho biết từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều chi nhánh của các ngân hàng thương mại tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công vì thiếu vốn.
VASEP đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.
Cụ thể, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay và năm tới 2023.
Chính phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistic trong nước.