Theo báo cáo về tình hình lao động việc làm quý 2/2023 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2/2023 là 52,3 triệu người, tăng hơn 100.000 người so với quý trước và 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, số lượng người lao động thất nghiệp quý 2 tăng cả về số lượng và tỉ lệ so với quý trước, nhưng điểm đáng mừng là tỉ lệ này giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, số người thất nhiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,07 triệu người, còn tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%.
Mặc dù lực lượng lao động đang làm việc quý 2 đạt gần 51,2 triệu người, tăng 83.300 người so với quý trước và tăng 691.400 người so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Số lao động bị mất việc trong quý 2 là 217.800 người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may (16,8%), da giày (14,1%), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (14,8%), chế biến gỗ (6,1%); phần lớn ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, TP.HCM, Bắc Ninh.
Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước. Ở hai đầu tàu kinh tế, TP.HCM có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 3,71%, tăng so với quý trước, trong khi Hà Nội là 1,23%, giảm so với quý trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, lao động ở vùng Đông Nam Bộ là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn (thường có tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất cả nước trong điều kiện bình thường), tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu việc làm từ quý 1/2023 do tập trung nhiều doanh nghiệp lớn bị cắt giảm đơn hàng.
Về con số thất nghiệp trong độ tuổi lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, so với quý trước, thất nghiệp quý 2 tăng cả về số lượng và tỷ lệ. Điều này cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine và tổng cầu thế giới suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng...
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng là do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện - điện tử...
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng về lâu dài, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.