Doanh nghiệp “than” chi phi xét nghiệm rất tốn kém

(CL&CS) - Theo một số doanh nghiệp, để có thể duy trì phát triển sản xuất kinh doanh trong hoàn cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp phải chi trả chi phí test nhanh, PCR cho người lao động. Đây là khoản tiền không nhỏ, tạo áp lực cho doanh nghiệp.

Mỗi tháng doanh nghiệp phải chi vài tỷ đồng cho test COVID-19

Hiện chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động là một trong những gánh nặng lớn của doanh nghiệp. Theo Bộ Y tế, chi phí xét nghiệm (test) nhanh COVID-19 được xác định hiện đang có giá 135.000 đồng/mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR (PCR) có giá 734.000 đồng/mẫu. Đây là khoản tiền không nhỏ, tạo áp lực cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến mới đây, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn cho rằng, nếu cứ kéo dài 3 tại chỗ, doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi vì chi phí sản xuất tăng. Doanh nghiệp đã thực hiện 3 tại chỗ 2 tháng nay, hàng tuần đều test PCR nên rất tốn kém.

Theo bà, Vĩnh Hoàn đang có 5 nhà máy ở Đồng Tháp đang thực hiện 3 tại chỗ với 5.500 lao động. Mỗi tháng doanh nghiệp phải chi vài tỷ đồng cho test COVID-19, doanh nghiệp sẽ khó cầm cự nếu 3 tại chỗ kéo dài. Bà Khanh cho biết, nên chăng chỉ cần tầm soát xét nghiệm 20% thay vì 100% như hiện nay.

Đối với doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, chi phí test COVID-19 đã trở thành gánh nặng thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ càng thêm phần khó.

Ngoài ra, bà Khanh cũng cho rằng giấy xét nghiệm PCR của công đoàn ngành cá mang tính chất lũy kế 7 ngày/lần, các địa phương cần công nhận kết quả và lực lượng lao động di chuyển giữa các tỉnh. Đồng thời, không yêu cầu các mẫu mới, yêu cầu mới khiến việc thu hoạch, thả giống gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Đứng trước thời khắc chuyển giao sang sản xuất "bình thường mới", những vấn đề tưởng rất đời thường nhưng đang cản trở các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến như di chuyển, cơ chế test COVID-19, hạn chế vắc xin và cơ chế của các tỉnh chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư kí Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM  (Hawa) cũng cho biết, qua khảo sát khoảng 200 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” với tổng số lao động 70.000 công nhân, mỗi công nhân xét nghiệm hằng tuần thì chi phí xét nghiệm cũng xấp xỉ 1 triệu đồng/người/tháng. “Như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì cả nghìn lao động ở nhiều nhà máy thì phí xét nghiệm cả tỷ đồng/tháng”, ông Phương phân tích.

Hiện chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động là một trong những gánh nặng lớn của doanh nghiệp.

Kiến nghị đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện bình ổn giá

Mới đây, 14 hiệp hội gồm Lương thực thực phẩm TP.HCM, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Dệt may Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày - Túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM; Sữa Việt Nam; Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam… vừa kiến nghị Thủ tướng đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá nhằm giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Trong thư, các hiệp hội cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng.

Giãn cách, phong toả diện rộng khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài thêm nữa. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Chính vì vậy, các hiệp hội đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Các đề xuất này là một trong những biện pháp quan trọng, nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho dân và doanh nghiệp.

Cộng đồng các doanh nghiệp cũng mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, để thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nên để các doanh nghiệp chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.

CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần mỗi tháng. Như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần mỗi tháng.

TIN LIÊN QUAN