Doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị chống vi phạm trực tuyến và sự gia tăng của hàng giả

(CL&CS) - Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tuần hoàn là bước tiến hướng tới tương lai đưa Việt Nam đưa Việt Nam trở thành đối tác tiến bộ, bền vững đáng tin cậy.

Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF diễn ra hôm 21/2/2022, có sự tham dự của Thủ tướng, các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ sự cảm kích trước những kết quả Việt Nam đã làm được.

Công tác phòng chống dịch đã được Chính phủ chủ động thực hiện quyết liệt và đạt được thành công. Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trỉ sản xuất kinh doanh. Và sự chuyển hướng chiến lược sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả. Nhờ đó, Việt Nam đang đạt được những thành tựu quan trọng trong việc lấy lại đà tăng trưởng.

“Để đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2022 – là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới" có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đánh giá những kết quả tích cực đã đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho rằng Việt Nam bước vào năm 2022 với không ít thách thức. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi chiến lược để có nền tảng tốt hơn.

Trong ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài phát biểu tại VBF lần này đã lưu ý tới các trụ cột là đổi mới, tăng cường số hóa, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, thu hẹp khoảng cách của lực lượng lao động, thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững và cam kết mạnh mẽ về trung hòa các-bon tại Hội nghị COP26 của Việt Nam. 

“Chúng tôi mong muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đường lối chính sách của Chính phủ Việt Nam tại COP26, với cam kết trung hòa phát thải các-bon vào năm 2050 và loại bỏ sử dụng điện than. Tôi may mắn được có mặt tại Glasgow với tư cách là thành viên của phái đoàn Việt Nam. Tôi thực sự cảm thấy tự hào là người Việt Nam”, ông Alain Cany Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) phát biểu.

 Nhấn mạnh đến mô hình kinh tế tuần hoàn – một điểm tham khảo mới cho việc sản xuất và tiêu dùng trong tương lai, ông Alain Cany phát biểu: Chúng tôi rất vui mừng khi Nghị định mới 08/2022 / NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường được ban hành vào ngày 10 tháng 1 vừa rồi đã đề cập đến Kinh tế Tuần hoàn. Đây là một bước tiến hướng tới tương lai nhằm đưa Việt Nam trở thành một đối tác tiến bộ và bền vững và đáng tin cậy.

 Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, công trình xanh và bao gồm cả việc xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công; thúc đẩy áp dụng các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật và quản lý dự án nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Việt Nam cần áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện theo vòng đời, đồng thời tăng cường hơn nữa việc ứng dụng nhãn xanh trong sản xuất và thực hiện áp dụng Công bố sản phẩm môi trường. Các doanh nghiệp khuyến nghị Chính phủ khuyến khích các chủ sở hữu tòa nhà chứng nhận tòa nhà của họ là Công trình Xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả và đưa ra các quy định về chứng nhận các công trình tòa nhà.

Tiến xa hơn tới nền kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại những lợi ích như giảm áp lực lên môi trường, cải thiện an ninh nguồn cung và giá nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh, kích thích đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm xanh và bền vững. Việt Nam xây dựng cơ sở hợp lý để có thể áp dụng mô hình tăng trưởng này trong tương lai.

Một vấn đề nữa được nêu tại diễn đàn đó là Chống vi phạm trực tuyến và sự gia tăng của hàng giả.

Theo các doanh nghiệp phản ánh, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 đã khiến vấn nạn hàng giả, đặc biệt là các loại thuốc như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau lưu hành tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử. Vi phạm bản quyền nội dung và phát trực tuyến/ tải lên/ tải xuống bất hợp pháp phim điện ảnh và phim truyền hình ngày càng nghiêm trọng và gây ra thiệt hại đáng kể về quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu. Thực thi chống vi phạm trực tuyến phải được ưu tiên lên hàng đầu.

“Chúng tôi kiến nghị cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và cơ quan có thẩm quyền cần được chủ động hơn. Chúng tôi khuyến nghị các bộ và cơ quan thực thi thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin và chia sẻ kiến thức chuyên môn để nhanh chóng giải quyết những lo ngại này kịp thời.”, đại diện EuroCham phát biểu.

TIN LIÊN QUAN