Theo đại diện của Công ty TNHH Thông Thuận, một doanh nghiệp nuôi tôm ở Ninh Thuận, những lô hàng gần đây của Công ty khi nhập khẩu trứng Artemia (trước có mã số HS Code là 2309.9013 đã được đổi lại là 0511.91.00) đã bị áp thuế 5%. Một số công ty khác cũng gặp phải tình trạng này. Mức thuế này đã giáng một “đòn chí mạng” vào các doanh nghiệp nhập khẩu và nuôi tôm vốn chồng chất những khó khăn.
Một số doanh nghiệp cho rằng nếu mức thuế này được áp dụng thì họ sẽ phải đóng cửa. |
Đại diện Công ty TNHH K.N trên địa bàn TP.HCM cũng cho biết công ty này hiện đã ngừng việc nhập hàng bởi không thể “cầm cự” được khi Artemia bị áp thuế 5%. Lý giải điều này, vị nữ giám đốc Công ty K.N cho biết: “Vợ chồng tôi lập nghiệp từ ngành nuôi tôm, đặc biệt chồng tôi rất đam mê và tâm huyết với ngành này. Là người nuôi tôm, tôi đã tìm kiếm khắp nơi để có nguồn thức ăn tốt cho tôm. Tôi cho rằng chỉ có Artemia nhập khẩu từ Mỹ là nguồn thức ăn tốt nhất. Mà bây giờ bị áp mức thuế 5% thì doanh nghiệp khó chống đỡ được”.
Chia sẻ với báo chí, vị giám đốc này cho biết, chưa nói đến việc áp thuế nhập khẩu Artemia thì trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành nuôi tôm đã phải chịu rất nhiều khó khăn rồi. Công ty hoạt động trong tình trạng cũng đã rất khó khăn. Bà cũng cho rằng nếu áp thuế Artemia 5% thì người thiệt đầu tiên sẽ là những hộ nông dân nuôi tôm và người tiêu dùng.
“Cứ cho là công ty chúng tôi cố gắng nhập về rồi sau đó tính vào giá thành bán cho người nuôi tôm thôi. Nhưng như thế, người nuôi tôm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí cao khiến giá tôm sẽ cao hơn một số nước khác. Như vậy, các doanh nghiệp chế biến sẽ tìm nguồn nguyên liệu ở các nước lận cận” - nữ giám đốc này phân tích.
Thời gian vừa qua một số doanh nghiệp trong nước đã tìm đến nguồn nguyên liệu là tôm của Ấn Độ nhưng sau đó xuất hàng đi thì do hàng không đủ tiêu chuẩn nên bị trả về. Việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu tôm của Việt Nam.
Việc áp dụng thuế 5% trứng Artemia (thức ăn nuôi tôm) khiến các doanh nghiệp nhập khẩu và nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn. |
“Với cá nhân là người có 20 năm trong ngành nuôi tôm, tôi không hiểu tại sao lại đi áp thuế với một mặt hàng đã chết như vậy. Artemia khi nhập về Việt Nam chỉ nhập về là phục vụ nuôi tôm giống (tức trứng của con Artemia, được sấy khô đóng hộp, chỉ dành cho tôm giống và cá giống ăn). Ngoài ra không làm được bất cứ việc gì” - đại diện Công ty TNHH K.N thắc mắc.
Trứng Artemia có vai trò rất quan trọng, gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản ở Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất tôm giống nước lợ. Các doanh nghiệp nuôi tôm khẳng định, không có Artemia ở đâu tốt bằng ở Mỹ. Nếu bây giờ nhập Artemia ở Mỹ sẽ bị đánh thuế trong khi nhập ở một số nước trong khu vực thì không, sẽ tạo ra một xu hướng quay sang nhập ở các nước lân cận. Tuy nhiên, chất lượng thì không thế nào bằng Mỹ được. Điều này vô hình trung làm giảm chất lượng của tôm Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt càng khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Vì khối doanh nghiệp FDI được miễn thuế thu nhập trong vòng 20 năm. Với quá nhiều ưu đãi như thế thì rất có thể, thời gian tới doanh nghiệp Việt Nam sẽ “chết” hàng loạt.
Ngày 2.8, bên lề cuộc họp của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tiến sĩ Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết Bộ đã chính thức có văn bản phản đối về việc áp thuế nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia 3% như nội dung thông tư 98 sắp có hiệu lực vào ngày 13.8 do bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính ký. Hiệp hội Tôm Bình Thuận cũng vừa có văn bản gửi đến các cơ quan quản lý kiến nghị dừng việc áp thuế 5% như hiện nay, đề nghị có một cuộc họp với đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục Kiểm tra sau thông quan cùng đại diện các doanh nghiệp để có tiếng nói đồng thuận, đồng thời đề nghị tạm ngưng áp dụng Thông tư 98, không truy thu thuế nhập khẩu để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cứu các doanh nghiệp nhập khẩu trước nguy cơ phá sản. |
Mai Trinh