Theo Bộ Công Thương, 5 năm gần đây, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32 -34%/năm. Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
Đơn cử, kể từ khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, 5 năm gần đây, kinh tế thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên, xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi từ các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Một vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp quan tâm hiện nay là tự chứng nhận xuất xứ - cơ chế chứng nhận xuất xứ hiện đại, đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nước. Cơ chế này cho phép loại bỏ thủ tục xin chứng nhận xuất xứ tại cơ quan có thẩm quyền, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội. Đây được xem là công cụ quan trọng để tăng hiệu quả tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA, thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất nhập khẩu.
Theo đánh giá từ Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong một số FTA gần đây, Việt Nam đã cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhưng có bảo lưu về thời gian thực hiện đối với trường hợp chứng nhận của nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, ngoại trừ một số doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình thử nghiệm trong ASEAN (ATIGA), Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với bất kỳ FTA nào.