Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết, trong thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động khoa học, công nghệ; thu hút đầu tư từ xã hội để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả, tính tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học, công nghệ; phát triển đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ.
Doanh nghiệp là một trong những chủ thể được quan tâm đặc biệt với vai trò là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo
Để thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, hồ sơ Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng sẽ thể chế hóa, với một số điểm mới nổi bật.
Đó là mở rộng phạm vi điều chỉnh. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật không chỉ có hoạt động nghiên cứu khoa học mà bổ sung nội hàm đổi mới sáng tạo, với mong muốn thúc đẩy kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thị trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội.
Từ nội dung trọng tâm này, hoạt động khoa học, công nghệ không chỉ tập trung trong khu vực công lập mà đẩy mạnh ra khu vực ngoài công lập, với việc thu hút nguồn lực đầu tư ngoài xã hội thông qua cơ chế chính sách để đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm kết nối hoạt động nghiên cứu; đưa người ở viện nghiên cứu sang làm việc ở doanh nghiệp do đơn vị nghiên cứu đó thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và điều hành doanh nghiệp; hình thành một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ; hoàn thiện quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước có đối tượng tham gia là doanh nghiệp.