Doanh nghiệp dệt may tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận

(CL&CS) - Hết quý 2/2022, nhiều doanh nghiệp dệt may đã công bố kết quả kinh doanh tương đối khả quan với mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận.

Các doanh nghiệp dệt may đã đi qua nửa chặng đường năm 2022 với nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), tính đến ngày 30/6/2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Ngành dệt may đề ra mục tiêu xuất khẩu năm 2022 là 43,5 tỷ USD, như vậy luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may đã hoàn thành hơn 50% mục tiêu năm nay.

Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn của ngành dệt may trong 6 tháng cuối năm, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho rằng, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng Covid-19 mới vẫn đang hiện hữu.

Nhiều quốc gia, nền kinh tế là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… cộng với diễn biến phức tạp của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra có thể kể đến những bất lợi về tỷ giá so với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Các doanh nghiệp dệt may đã đi qua nửa chặng đường năm 2022 với nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nửa còn lại được dự báo có nhiều thách thức.

Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) đạt 10.295 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 980 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch.

Theo Vinatex, dù giá bông nửa đầu năm nay tăng rất cao nhưng ngành sợi vẫn thu được kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm do tận dụng được giá bông tốt đã mua từ cuối năm 2021, trong khi ngành may có đơn hàng đầy tải, dịch bệnh được kiểm soát tốt nên lực lượng lao động yên tâm quay trở lại sản xuất, giữ vững năng suất lao động…

Các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã linh hoạt ứng phó với biến động của thị trường và tận dụng lợi thế tăng tốc sản xuất để chạm đích quý 2/2022.

Lũy kế nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần của Vinatex tăng 37%, đạt gần 9.681 tỷ đồng và lãi ròng xấp xỉ 547 tỷ đồng, tăng 43% so cùng kỳ.

Tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 5/2022, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 18.067 tỷ đồng bằng 106,4% so với 2021; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 951 tỷ đồng bằng 65,3% so với 2021; Doanh thu Công ty mẹ ước đạt 1.750 tỷ đồng bằng 107,4% so với 2021. Lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 330,655 tỷ đồng, bằng 106,3% so với cùng kỳ.

Như vậy, dù mới qua nửa đầu năm 2022, nhưng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của Vinatex đều vượt xa kỳ vọng. 

Một số doanh nghiệp tiếp tục hé lộ tình hình kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022. Như Công ty CP Dệt may TNG (TNG)  cho biết, doanh thu tháng 6 là 750 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2021 và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 3.229 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ và thực hiện 54% kế hoạch năm.

Năm 2022, TNG đặt mục tiêu doanh thu 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, TNG đã thực hiện 54% chỉ tiêu doanh thu và 45% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Dựa trên cơ sở đó, lãnh đạo TNG tự tin hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh năm. Năm nay, doanh nghiệp dệt may đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận vào khoảng 280 tỷ đồng.

Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với ghi nhận tăng trưởng 13% từ doanh thu thuần, tương đương với 2.373 tỷ đồng. Quý 2, công ty thu về 61,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 21% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, VGG ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.892 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 92,3 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 61,5% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VGG đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021 và 150 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 50% so với năm trước. Như vậy, công ty đã thực hiện được 60% chỉ tiêu về doanh thu.

Tổng công ty May Nhà Bè cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch Covid-19 được kiểm soát giúp khôi phục thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty. Nhờ đó, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.031 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 97,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ 31,8 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP May mặc Bình Dương ghi nhận 897,7 tỷ đồng doanh thu (tăng 33,8%) và 97,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 55%); Công ty CP Dệt may Nam Định ghi nhận 646,5 tỷ đồng doanh thu (tăng 2,5%) và 64 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 30%)…

Ở chiều ngược lại, theo báo cáo tài chính quý 2/2022, CTCP May Sông Hồng (HoSE: MSH)  ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 31% so với cùng kỳ, đạt hơn 85 tỷ đồng, khi giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MSH ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 27%); lợi nhuận sau thuế đạt gần 169 tỷ đồng (giảm 22%) và báo lãi ròng giảm 13% so với cùng kỳ, còn gần 188 tỷ đồng.

Năm 2022, MSH đặt kế hoạch doanh thu tăng 3% so cùng kỳ, lên mức 4.900 tỷ đồng và lãi trước thuế đi lùi 8%, xuống còn 500 tỷ đồng. So với mục tiêu đề ra, công ty đã thực hiện được 56% chỉ tiêu doanh thu và 43.3% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.

TIN LIÊN QUAN