Doanh nghiệp dệt may kinh doanh khả quan

(CL&CS) - Theo báo cáo tài chính mới được công bố, một số doanh nghiệp dệt may vẫn có kết quả kinh doanh tương đối khả quan dù trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều khó khăn.

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt gần 980 tỷ đồng, giảm 3,9% so với quý 3/2019, trong khi đó chi phí giá vốn giảm sâu hơn, đến 6,9% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 175 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 12,5% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 17,9%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu TCM ghi nhận 2.689,5 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kì năm ngoái và đã thực hiện được khoảng 72% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 196,6 tỷ đồng, tăng gần 12% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, phần lớn là từ xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu trong kì đạt 2.303 tỷ đồng, đóng góp gần 85% tổng doanh thu trong nước. Mảng xuất khẩu cũng mang về hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chiếm 84% lợi nhuận gộp đạt được.

Đại diện công ty cho biết, quý 3 vừa qua công ty xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nên doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt. Bên cạnh đó, công ty tiến hành việc kiểm soát và tiết kiệm chi phí, nên tỷ lệ chi phí giá vốn hàng bán trên doanh thu giảm so với cùng kỳ. Những nguyên nhân này làm cho lợi nhuận thu về tăng cao hơn cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của Công ty CP Dệt may Nam Định (NDT) cũng cho thấy doanh thu trong kì chỉ đạt 255,8 tỷ đồng, giảm hơn 15% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ giá vốn bán hàng giảm gần 14%, xuống còn hơn 239 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 25% đã kéo lợi nhuận sau thuế của NDT tăng gần 12% so với cùng kỳ, đạt 7,5 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của NDT đạt 835,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với 9 tháng đầu năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế 11,9 tỷ đồng, tăng 187,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, có thể thấy rằng nhiều doanh nghiệp vẫn có lối đi riêng, có cách ứng phó tốt với bối cảnh chung.

Tương tự, kết quả kinh doanh quý 3 của Công ty CP May mặc Bình Dương (BDG) ghi nhận doanh thu thuần giảm 20%, xuống còn 327 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn có lãi sau thuế tăng 10,3% so với cùng kì, đạt 25,6 tỷ đồng nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh.

Theo BDG, nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 nên chính sách thưởng của công ty có giảm trích tiền lương tháng 13 trong quý 3 năm nay nên chi phí giảm làm tăng lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BDG ghi nhận doanh thu thuần giảm 17% xuống còn 899 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2,6% đạt 87 tỷ đồng.

Trong năm 2020, BDG đặt mục tiêu 712 tỷ đồng doanh thu và 4 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 53% và 96% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, khép lại 9 tháng đầu năm, BDG đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế gấp gần 20 lần kế hoạch năm 2020.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là 40 tỷ USD, nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành giảm sâu, có mặt hàng giảm đến 80-90%, vì vậy kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ không thể đạt tới kết quả thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, có thể thấy rằng nhiều doanh nghiệp vẫn có lối đi riêng, có cách ứng phó tốt với bối cảnh chung như linh hoạt chuyển sang may các mặt hàng bình dân, mặt hàng thời vụ như khẩu trang, đồ bảo hộ hoặc tiết giảm các khoản chi phí để giữ vững đà tăng trưởng lợi nhuận.

Bộ Công Thương cho biết, dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. 

Bộ Công Thương cho rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, đồng thời khai thác và mở rộng thị trường nội địa. Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng qui tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. 

TIN LIÊN QUAN