Doanh nghiệp đã nỗ lực bền bỉ trong năm 2020

(CL&CS) - Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống Kê, yếu tố quan trọng giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là nỗ lực bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong diễn đàn kinh tế mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, yếu tố quan trọng giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp thể hiện qua tăng trưởng kinh tế và kể cả tăng trưởng lớn của xuất khẩu cũng có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp; cùng với đó là chính sách đầu tư công của Chính phủ cùng với những giải pháp của Chính phủ ứng phó với dịch Covid-19 đã tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế.

Đặc biệt, theo ông Lâm, vai trò của đầu tư công vô cùng quan trọng bởi đó chính là trụ cột của nền kinh tế, đầu tư công kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn và cả dài hạn. Theo Tổng cục Thống kê, 1 đồng đầu tư công có tác động và lan tỏa đến 4,2 đồng đầu tư tư nhân. Nếu cứ tăng giải ngân 1% đầu tư công thì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thêm 0,06%. Trong năm 2020 vừa qua, tiến độ giải ngân đầu tư công nhanh đã tác động rất tốt đến sự phát triển của nền kinh tế.

Cùng với đó, ông Lâm cũng khẳng định: “Tôi vẫn đánh giá quan trọng nhất là nỗ lực của doanh nghiệp và đầu tư công. Về yếu tố xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu, dù thế nào con người vẫn phải ăn, uống nên xuất khẩu của Việt Nam vẫn tốt”.

Yếu tố quan trọng giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là nỗ lực bền bỉ  của cộng đồng doanh nghiệp (Ảnh: CP)

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, yếu tố xuất khẩu là kết quả cuối cùng thôi, xuất khẩu không phải là phần nhân mà là phần quả, ý chí bền bỉ của doanh nghiệp là phần gốc.

“Qua theo dõi hệ thống ngân hàng, chúng tôi đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý 2, từ tháng 4-7 mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất đến tháng 9. Tính đến tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ mới hơn 4%, nhưng đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 8, tăng nhanh trong tháng 11 và 12, kết thúc năm tăng trưởng 12,13% nhờ doanh nghiệp hấp thu vốn” – ông Hà cho biết thêm.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc không ngừng thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Quá trình này cần được cải cách mạnh mẽ hơn nữa để góp phần tạo sức sống mới cho nền kinh tế.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng, Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM: Yếu tố đầu tiên là đầu tư của Chính phủ. Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng, tạo ra việc làm cho người lao động. Yếu tố sức bền bỉ của doanh nghiệp và yếu tố tăng xuất khẩu là một. Ý chí của doanh nghiệp mới quan trọng.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV của Deloitte Việt Nam, sức khỏe, nhận thức và tư duy của doanh nghiệp về một thế giới mới, phù hợp với mô hình quản trị và tổ chức sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới sẽ là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thích ứng trước các biến động cũng như duy trì sự ổn định để thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng.

TIN LIÊN QUAN