Những cải tiến xanh
Đến Tập đoàn PPJ Group vào những ngày đầu năm 2024, không khí nhộn nhịp bao trùm ở mọi công đoạn trong quy trình sản xuất của công ty. Trên gương mặt mỗi người lao động đều rạng rỡ niềm vui.
Đưa chúng tôi đi tham quan Trung tâm thiết kế mẫu của công ty, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc PPJ cho biết, năm vừa qua, toàn ngành dệt may bị tác động rất nhiều từ những khó khăn của thị trường thế giới, nhưng tại PPJ - với 30 đơn vị thành viên trải khắp cả nước, tình hình vẫn tương đối ổn định và đảm bảo đầy đủ việc làm cho lực lượng lao động của công ty. Theo đó, doanh thu của PPJ vẫn giữ được tương đương so với năm 2022. Ở thời điểm hiện tại, PPJ cũng đã ký kết đủ đơn hàng đến hết quý 1/2024.
Đây là kết quả tích cực trong bức tranh chung nhiều màu xám của toàn ngành trong năm qua. Bà Liên lý giải sự tích cực này là kết quả của quá trình đầu tư trong nhiều năm qua của PPJ theo định hướng sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng của thị trường. Nhiều thiết bị hiện đại được đầu tư để giảm thiểu tối đa việc sử dụng nước, hóa chất trong quá trình sản xuất để ít gây tác động nhất tới môi trường. Điển hình như thiết bị robot để xử lý bề mặt vải có giá lên tới 300.000 EUR nhưng có thể thay thế cho hàng chục công nhân…
Đặc biệt, trong dây chuyền sản xuất tại Trung tâm thiết kế mẫu của PPJ có khá nhiều thiết bị được sản xuất bởi chính Công ty TNHH Sinnika Việt Nam (Sinnika Tech) - một đơn vị thành viên của PPJ, như thiết bị khử màu bằng công nghệ ozon, máy E-flow phun hóa chất tạo hiệu ứng cho denim... Các thiết bị này đều mang lại hiệu suất vượt trội so với công nhân, đồng thời tiết kiệm tối đa lượng nước, hóa chất trong quá trình sản xuất.
Nếu quá trình chuyển đổi xanh tại PPJ là sự bền bỉ với từng bước đi chậm rãi và chắc chắn thì câu chuyện tại Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (Duytan Recycling) lại là sự chuyển hướng sang một lối đi mới. Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa, người đứng đầu công ty, ông Trần Duy Hy luôn đau đáu về việc tạo ra những sản phẩm nhựa tái chế đạt tiêu chuẩn cao, giảm gánh nặng về môi trường.
Sau một năm đi rất nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu, ông Hy đã lựa chọn công nghệ hiện đại nhất là Bottle to Bottle của Áo - giúp tái sinh một chai nhựa thành một chai nhựa và đảm bảo an toàn tuyệt đối về mặt sức khỏe người dùng khi sử dụng trong ngành thực phẩm. Năm 2019, Nhà máy Duytan Recycling bắt đầu được xây dựng tại Long An và hiện nay đang hoạt động với công suất 60.000 tấn/năm, tương đương hơn 4 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm. Dù là nhà máy tái chế rác thải nhựa, nhưng Duytan Recycling lại đảm bảo 3 tiêu chí bền vững về môi trường là không rác thải, không nước thải và không khí thải. Hạt nhựa tái chế của Duytan Recycling không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty, đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu với sản lượng xuất khẩu trên 9.000 tấn mỗi năm, chiếm tỷ trọng 56%.
Cũng bởi định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn và bền vững nên tại Duytan Recycling có một chức danh khá đặc biệt là giám đốc phát triển bền vững. Giữ chức vụ này, ông Lê Anh cho biết, nhiệm vụ của ông là theo dõi và nắm bắt các xu hướng phát triển bền vững trên thế giới, những công nghệ hiện đại phục vụ cho xu hướng này, các vấn đề mà DN cần quan tâm và tuân thủ. Mặt khác, ông Lê Anh cũng đóng vai trò như một "đại sứ truyền thông" về câu chuyện phát triển bền vững đến với cộng đồng, đối tác, tổ chức đoàn thể xã hội.
Tương tự, tại nhiều DN khác cũng đã có những sáng kiến mới mang lại hiệu quả tích cực cho môi trường và hoạt động kinh doanh của DN. Như Công ty CP Hàng tiêu dùng Phúc Sinh vừa cho ra mắt sản phẩm trà túi lọc “Cascara Blue Sơn La”. Điểm độc đáo của sản phẩm này nằm chính nguyên liệu được lấy từ thịt của vỏ quả cà phê arabica Sơn La nguyên chất. Thay vì chỉ làm chất đốt hoặc phân bón cho cây, thậm chí còn để lại gánh nặng cho môi trường, vỏ cà phê sau khi chế biến thành trà cascara mang lại giá trị rất cao, với giá bán tại Việt Nam lên tới 1,5 triệu đồng/kg…
Con đường tất yếu
Hiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với 19 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết, trong đó có 16 hiệp định đã có hiệu lực, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.
Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai đánh giá, kinh tế xanh không chỉ còn là ý niệm mà đã trở thành sự chuyển đổi tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của DN. Mô hình kinh tế tuyến tính, nơi chỉ có khai thác và tận dụng tài nguyên, không còn là lựa chọn thích hợp cho việc phát triển bền vững và lâu dài. Hiện ngày càng có nhiều DN chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, người tiêu dùng cũng dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm mang “thương hiệu xanh”. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), đến năm 2030, nền kinh tế tuần hoàn sẽ cộng thêm 4.500 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Với tổng số gần 900.000 DN đang hoạt động và xấp xỉ 150.000 DN thành lập mới mỗi năm, DN là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trên con đường chuyển đổi xanh của đất nước. Hiện nhiều DN đã tích cực chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất sang mô hình DN xanh, bảo vệ môi trường.
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) cho biết, các DN niêm yết hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa ngày càng nâng cao nhận thức rằng phát triển bền vững không còn là vấn đề xa vời, mà mang lại lợi ích thiết thực cho chính DN. DN đã có nhiều hành động cụ thể hướng đến phát triển bền vững như: thành lập tiểu ban phát triển bền vững trực thuộc sự giám sát trực tiếp của Hội đồng quản trị; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường; chuyển đổi việc sử dụng năng lượng mặt trời tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; thực hiện kiểm kê dấu chân carbon cho các sản phẩm xuất khẩu…