Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về lượng phát hành trái phiếu
Doanh nghiệp trong nước, nhất là mảng bất động sản thời gian qua đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn ngân hàng nhằm thu hút giới đầu tư. Riêng trong tháng 2 có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 4 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ riêng lẻ với tổng giá trị đạt 1.800 tỷ đồng.
Trong Quý I 2022, tổng khối lượng phát hành tăng khoảng 18.98% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu xuất phát từ nhóm Bất động sản, ngân hàng và xây dựng. Nhóm Bất động sản là nhóm dẫn đầu về khối lượng phát hành, tổng giá trị ở mức 28,581 tỷ đồng, tăng 22% so với quý I/2021 nhờ gói phục hồi kinh tế với ngân sách gần 114 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng, lạm phát tăng cao và sự quan tâm về bất động sản của nhà đầu tư cá nhân được cải thiện.
Tỷ trọng khối lượng TPDN phát hành bởi doanh nghiệp niêm yết chiếm 31% trong tổng số KLTP phát hành trong kỳ. Trong Quý I 2022, có tổng cộng 27 doanh nghiệp mới phát hành lần đầu, trong đó có 9 doanh nghiệp niêm yết phát hành. Phần lớn các doanh nghiệp mới phát hành lần đầu nằm ở nhóm Bất động sản và Xây dựng. 10/12 doanh nghiệp mới phát hành trong lĩnh vực Bất động sản là doanh nghiệp chưa niêm yết.
Kỳ hạn phát hành bình quân Quý I/2022 là 2.83 năm, giảm 0.42 năm so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do khối lượng phát hành các doanh nghiệp nhóm ngành Bất động sản chiếm ưu thế về tỷ trọng trong khi kỳ hạn phát hành nhóm này lại ngắn đi, kỳ hạn phát hành nhóm ngành Năng lượng, Xây dựng, Hàng tiêu dùng cũng giảm đáng kể so với quý 1 năm ngoái (khoảng 1.9 đến 5.3 năm). Hầu hết trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I/2022 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, chiếm khoảng 76% khối lượng phát hành, trái phiếu kỳ hạn từ hơn 3 năm đến 7 năm chiếm 21.6% và chỉ khoảng 2% trái phiếu có kỳ hạn trên 7 năm.
Tình trạng phát hành trái phiếu ồ ạt nếu không được chấn chỉnh có thể dẫn đến việc mất khả năng chi trả, gây hệ lụy cho nền kinh tế đất nước.
Một số doanh nghiệp mới phát hành với khối lượng lớn như: CTCP Air Link (3,810 tỷ đồng), CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh (3,610 tỷ đồng), CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3,930 tỷ đồng), CTCP Worldwide Capital (3,410 tỷ đồng).
Trong đó, vào cuối tháng 3/2022, CTCP Air Link phát hành 1.240 tỷ đồng trái phiếu CTCP WorldWide Capital phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 3.410 tỷ đồng, đều có kỳ hạn 18 tháng. Air Link và Worldwide Capital đầu tư vào dự án The Global City được chuyển nhượng dự án thành phần từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp). Dự án có quy mô hơn 117 ha, tọa lạc tại phường An Phú, TP Thủ Đức và nằm sát tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn lên đến 3,930 tỷ đồng . Trong 3 năm đầu kinh doanh về bất động sản, doanh nghiệp này luôn thua lỗ đến năm 2020 doanh thu của doanh nghiệp này là 0 đồng. Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm theo Bộ Xây dựng, sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Những thông tin gần đây cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề trong đó có hiện tượng thao túng thị trường, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xử lý mạnh tay với cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường của cơ quan chức năng cho thấy cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang siết tay bảo vệ những nhà đầu tư chân chính.