Nhiều doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh đi lùi
Báo cáo của VNDirect nhận định ngành bất động sản (BĐS) đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành như việc lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và hay việc thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực BĐS, giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tiềm năng của ngành là sự phục hồi của nguồn cung cấp mới.
Theo đó, nhiều chủ đầu tư sẽ gặp những khó khăn, thách thức trong việc huy động vốn ở vài quý tới. Hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh hơn trong khi quỹ đất sẽ bị chậm lại. VNDirect cũng nhận định, các doanh nghiệp BĐS có sẵn các sản phẩm bán lớn và có bảng cân đối tài chính lành mạnh thì vẫn có mức trăng trưởng lợi nhuận ổn định trong giai đoạn 2022-2023.
Bảng kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi nhiều doanh nghiệp có mức doanh thu sụt giảm đáng kể, có nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng âm. Cụ thể, doanh thu quý I/2022 của KDH (Nhà Khang Điền) chỉ đạt 143 tỷ đồng trong khi đó cùng kì năm ngoái đạt 836 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức âm đến 83% nhưng lợi nhuận ròng lại lại tăng so với quý I năm 2021 đạt 299 tỷ đồng tăng 46% so với cùng kì.
Tập đoàn Đất Xanh có mức doanh thu quý I/2021 đạt 2.954 tỷ đồng trong khi đó, doanh thu quý I/2022 chỉ đạt 1.792 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Lãi ròng quý I cũng bị giảm (đạt 270 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 531 tỷ đồng).
Tập đoàn Bất động sản An Gia (AGG) ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng trưởng mạnh đạt 563 tỷ đồng tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 343 tỷ đồng nhưng lãi ròng lại có xu hướng bị sụt giảm đến 80%, quý I/2022 đạt 1 tỷ đồng cùng kì năm trước đạt 5 tỷ đồng.
Huy động vốn gặp khó khăn
Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng bước hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp ... và giảm tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực BĐS. Thông tư 22 của NHNN có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10/2021 và 30% từ tháng 10/2022. Do đó, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực BĐS đã chậm lại từ 26% năm 2018 xuống còn 12% năm 2021 và có thể giảm xuống 9-10% năm 2022.
Vào tháng 4, hoạt động giám sát thị trường TPDN cũng được triển khai, nhiều doanh nghiệp bị phạt, nhiều ông lớn trong ngành bị khởi tố do có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đồng thời, hoạt động siết chặt tín dụng bất động sản cũng khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong huy động vốn.
Tại báo cáo VNDirect cho biết, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,2% tổng giá trị phát hành Q1/22, tương đương 15.860 tỷ đồng (tăng 25,2% svck, giảm 86,5% so với quý trước). Các doanh nghiệp BĐS phát hành giá trị lớn nhất có thể kể đến như CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng), CTCP Phát triển BĐS Đất Việt (1.600 tỷ đồng),...
Sở dĩ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm trong quý 1 là do NHNN sẽ giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, kết quả kinh doanh âm và không có tài sản đảm bảo. Do đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực BĐS sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong vài quý tới.
Trong báo cáo VNDirect, kỳ vọng thị trường BĐS sẽ chứng kiến xu hướng phục hồi nguồn cung trong năm 2022, vì các chủ đầu tư sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền. Ngoài ra, theo báo cáo này, các chủ đầu tư có thể sẽ thận trọng hơn trong việc mở rộng quỹ đất và có thể sẽ giảm ngân sách cho hoạt động này. Xu hướng các chủ đầu tư Việt Nam sẽ hợp tác phát triển dự án BĐS với các đối tác có nguồn tiền dồi dào, hoặc các nhà phát triển nước ngoài trong bối cảnh nguồn vốn thắt chặt như hiện nay.