Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông quốc tế

(CL&CS) - Trong bối cảnh hiện nay việc định vị và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng.

Các diễn giả chia sẻ tại Toạ đàm.

Đó là thông điệp được đưa ra tại Toạ đàm Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu do Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM phối hợp tổ chức chiều 27/1.

Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp vừa phải xây dựng thương hiệu của mình vừa phải định vị và khẳng định thương hiệu đó. Để xây dựng được thương hiệu, trước tiên doanh nghiệp cần phải giữ đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm với sản phẩm của mình và phải biết quảng bá hình ảnh, thương hiệu một cách rộng rãi. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông thương hiệu rộng lớn hơn trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ phát triển thương hiệu doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty RYNAN Holdings JSC, Chủ tịch HĐQT MyLan Group cho biết, doanh nghiệp muốn truyền thông hiệu quả, trước hết cần có sản phẩm tốt, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, các kênh báo chí, truyền thông, đặc biệt là kênh truyền thông chính thống của Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu trong nước và trong kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Mỹ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Ngô Sỹ Tuyên, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA (Malaysia) cho biết, quan trọng vẫn là phải xây dựng và khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, bằng uy tín doanh nghiệp.

Bằng việc luôn nghiên cứu phát triển công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay, công ty đã hoàn thiện sơn nano được thế giới công nhận. Khi đã khẳng định được chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy vấn đề truyền thông. Bối cảnh báo chí truyền thông phát triển mạnh như hiện nay đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đưa thương hiệu, sản phẩm của mình ra quốc tế một cách nhanh chóng.

Minh chứng về câu chuyện doanh nghiệp Việt tại Nga, ông Dương Chí Kiên, Tổng Giám đốc Golden Age Group cho biết, để định vị thương hiệu Việt trên truyền thông ở nước sở tại, trước tiên doanh nghiệp phải hỗ trợ cộng đồng, làm việc với chính quyền sở tại. Bởi đây cũng là cách quảng bá, truyền thông, để nước sở tại thấy doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm tại đây, thấy doanh nghiệp có sản phẩm tốt và nộp thuế đầy đủ. Thông qua cách này, doanh nghiệp Việt đã góp phần to lớn trong việc lan tỏa thương hiệu Việt trên thế giới.

Ngoài ra theo ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, muốn doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tìm cơ hội đi đầu tư; đồng thời cần phải có sự bảo trợ của Chính phủ. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp Việt còn thiếu tính hệ thống, muốn làm ăn toàn cầu, muốn định vị mình thì cần có tư duy hệ thống…

TIN LIÊN QUAN