Điện mặt trời ở Việt Nam bao giờ hết “dạng tiềm năng”?

(NTD) - Mặc dù đánh giá rất tiềm năng, tính khả thi cao và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng do thiếu cơ chế đồng bộ nên điện mặt trời (ĐMT) ở Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Nhiều tiềm năng, thiếu cơ chế

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm.

Tấm pin năng lượng mặt trời 1.000 W.

Bức xạ mặt trời trung bình 150 kCal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII) điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác được khoảng 850 MW ĐMT vào năm 2020, sẽ nâng lên 4.000 MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Đây là điều kiện để phát triển sản xuất và đa dạng hóa các nguồn phát điện.

Ngoài ra, nếu phát triển tốt ĐMT sẽ góp phần đẩy nhanh Chương trình điện khí hóa nông thôn và thực hiện mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Tuy nhiên, hiện nay do chúng ta còn thiếu nhiều cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ nên việc đầu tư ĐMT vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.

Theo nhiều chuyên gia, thách thức lớn nhất cho phát triển ĐMT hiện nay là thủ tục hành chính liên quan đến việc xin cấp phép xây dựng, bổ sung nguồn ĐMT vào quy hoạch phát triển điện quốc gia và quy hoạch điện của từng địa phương trong việc triển khai các dự án. Trường hợp dự án có công suất thiết kế trên 50 MW phải bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia, dưới 50 MW bổ sung vào quy hoạch điện tỉnh.

Đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm tới ĐMT tham dự hội thảo.

Không dừng lại ở đó, chi phí đầu tư dự án ĐMT cao trong khi chưa thấy đầu ra, doanh nghiệp lại khó tiếp cận các nguồn vốn vay nếu không có sự can thiệp của Chính phủ. Giá mua bán điện vẫn chưa rõ ràng, dự thảo giá thấp nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu trầm trọng hệ thống nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời, thiếu các quy chuẩn về khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời và chưa có cơ chế khuyến khích sản xuất các thiết bị ứng dụng, sử dụng ĐMT trong nước.

Ông Gavin Smith, Giám đốc Quỹ phát triển sạch của Công ty Dragon Capital, cho rằng hiện nay giá bán ĐMT ở Việt Nam chỉ khoảng 7,5 cent/kW. Con số này là quá thấp so với mặt bằng chung của thế giới và đây chính là trở ngại lớn để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Cũng theo ông Gavin Smith, mặc dù Bộ Công thương đã nâng mức giá từ 7,5 cent/kW lên 11 cent/kW nhưng các nhà đầu tư vẫn cho rằng giá 11 cent là quá thấp, không đủ khuyến khích việc triển khai các dự án ĐMT. Chia sẻ về vấn đề này, ông Diệp Bảo Cánh, Tổng Giám đốc CTCP Năng lượng Mặt Trời Đỏ, cho biết ông đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 30 triệu USD để đầu tư dự án ĐMT 24 MW. Điều chờ đợi lúc này là quy định về giá bán ĐMT từ dự án lên lưới được quy ra sao để chúng tôi có quyết định triển khai cuối cùng.

Cần hỗ trợ kịp thời

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, phát triển ĐMT sẽ góp phần đa dạng hóa các nguồn phát điện, thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, tiết kiệm năng lượng, giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Song, để phát triển ĐMT cần có một cơ chế đồng bộ rõ ràng và hướng dẫn cụ thể từ việc quy hoạch, quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hạ tầng thiết bị, đấu lưới, nguồn vốn, ưu đãi thuế, cơ chế giá mua bán điện đến đào tạo.

Bà Lê Thị Ngọc Bích, đại diện Đại sứ quán Anh, chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Trong đó, quan trọng nhất là chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, chế tạo pin mặt trời, cũng như nhân lực tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất. Bởi lực lượng cán bộ, công nhân cho ngành công nghiệp này hiện còn mỏng so với nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng mặt trời nói riêng. Khi cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển được ban hành, chắc chắn sẽ khuyến khích và giúp các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ĐMT, bảo đảm phát triển “năng lượng xanh” thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Ông Gavin Smith cho biết để phát triển ĐMT Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ nhiều cơ chế hơn nữa để thu hút đầu tư. Cụ thể như việc hỗ trợ giá bán điện, kêu gọi sự chung tay của khối doanh nghiệp tư nhân. Nút thắt lớn nhất khiến ĐMT chưa có bước phát triển đột phá là thiếu các văn bản chính sách, đặc biệt về quy hoạch, kỹ thuật, cơ chế giá. Ông Gavin Smith cũng kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần quy định giá mua bán ĐMT một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích cho các bên. Giá mua bán này cần điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc giảm dần khi suất đầu tư vào ĐMT giảm nhờ giá mô đun pin mặt trời. Bên cạnh đó, Chính phủ cần bổ sung các quy định, cơ chế nhằm khuyến khích hơn nữa việc sản xuất các thiết bị ĐMT trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa dự án ĐMT.

Chương trình hỗ trợ phát triển ĐMT tại miền Nam Việt Nam (Solar Hub) được tài trợ bởi Quỹ Thịnh vượng, thuộc Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh. Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng (ECC-HCMC) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty Dragon Capital thực hiện. Đây là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chính phủ Vương quốc Anh đã phân bổ 1,1 triệu GBP cho Quỹ Thịnh vượng Anh trong năm tài khóa 2016-2017 để tài trợ cho các dự án tại Việt Nam. Các dự án này sẽ tập trung vào tăng cường an ninh năng lượng và đẩy mạnh phát triển năng lượng carbon thấp; thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch và cởi mở.

Nhã Vy

 
Nên đọc