Báo chí không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí
Tham dự và chủ trì diễn đàn có các lãnh đạo: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...
Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024, nơi Hội tụ các Tổng Biên tập, lãnh đạo của các Tờ báo lớn và có uy tín cao của đất nước cùng tập trung thảo luận chủ đề “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống? là một sự kiện không chỉ mang ý nghĩa hết sức thời sự với đời sống báo chí mà còn là hoạt động rất ý nghĩa trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/5/1925 – 21/6/2025).
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu cùng chung tay ủng hộ đồng bào vùng bão lũ
Trước khi bắt đầu chương trình Diễn đàn, với mong muốn chia sẻ với những mất mát, khó khăn mà người dân vừa phải gánh chịu từ cơn bão số 3 và ảnh hưởng mưa lũ, Quỹ “Ước mơ xanh” của báo Nhà báo & Công luận phát động sự chung tay ủng hộ của các quý vị đại biểu có mặt tại sự kiện để giúp bà con vùng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 vượt qua hoạn nạn và sớm ổn định cuộc sống.
Với 2 phiên thảo luận: Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp- Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?, Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí chia sẻ, thảo luận về báo chí giải pháp- xu hướng báo chí đang được các toà soạn trên thế giới cũng như tại Việt Nam hết sức quan tâm.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy, Q.Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận cho biết, "Được khởi đầu từ năm 2019, đến nay Diễn đàn Tổng Biên tập đã bước sang mùa thứ 6, là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các toà soạn, cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn.
“Báo Nhà báo và Công luận chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm những chủ đề báo chí nóng, nâng cao công tác tổ chức để chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập giữ vững thương hiệu là một trong những sự kiện thường niên được giới báo chí quan tâm, đón đợi. Thay mặt Ban Tổ chức, xin được cám ơn sự đồng hành, hỗ trợ hết sức tích cực của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong công tác tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập lần này”, ông Lê Trần Nguyên Huy - Q.Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận chia sẻ.
Báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Tuy nhiên, thực tế đời sống báo chí thời gian đã cho thấy báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới.
Ông Lê Trần Nguyên Huy, Q.Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận
Với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.
Trên thực tế, báo chí giải pháp không phải khái niệm mới, việc đề cập đến các giải pháp đã xuất hiện trên báo chí thế giới từ rất lâu, nhưng phải đến khoảng hai thập kỷ qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, Báo chí giải pháp được quan tâm và được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông.
Theo đó, báo chí xây dựng, báo chí giải pháp là sự đi ngược lại xu hướng báo chí lá cải ngày càng tăng, đi ngược lại sự xuất hiện chủ nghĩa giật gân và xu hướng tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, đồng thời đặt ra yêu cầu các tờ báo, các cơ quan báo chí phải nghiên cứu các vấn đề xã hội, đề xuất các giải pháp cải thiện tình hình theo hướng tích cực, chứ không chỉ là đưa tin thuần tuý hay nhấn mạnh quá mức vào những tiêu cực. Cho đến nay, nhiều cơ quan và tổ chức báo chí có uy tín trên thế giới đã chuyển đổi theo mô hình Báo chí giải pháp.
Tại Việt Nam, xu hướng báo chí giải pháp đã, đang được các cơ quan báo chí triển khai ra sao? Tại sao báo chí giải pháp nên là một trong những hướng đi chính yếu của báo chí Việt Nam? Báo chí giải pháp có phải là một trong những cách thức hiệu quả để báo chí Việt Nam phát triển và giữ vững vị thế trong bối cảnh hiện nay? Cách thức nào để triển khai báo chí giải pháp hiệu quả? Đó sẽ là những nội dung chính sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2024.
Báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận, thông tin, tỉnh Bình Thuận rất vui mừng và vinh hạnh được Hội Nhà báo Việt Nam chọn là nơi tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí Truyền thống”. Trong suốt hành trình phát triển của mình, Bình Thuận luôn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành của báo chí. Các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết tuyên truyền về thành tựu của tỉnh, phản ánh, đưa tin kịp thời về các vấn đề nổi bật, những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận.
Ông Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận
Thực hiện vai trò của địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong những năm qua luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.
Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Báo chí trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân
Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, thông tin tiêu cực dường như trở thành ADN của báo chí; theo đó những bài viết về thảm kịch đối với con người, thiên tai, và xung đột toàn cầu đóng vai trò chủ đạo để kích thích mọi người đọc tin mỗi ngày. Mối quan tâm đến tin tức dựa trên sự sợ hãi lên tới đỉnh điểm vào năm 2020, khi các cơ quan báo chí trên thế giới chứng kiến số lượng trả phí đọc báo điện tử và tiêu dùng nội dung tăng vọt trong đại dịch COVID-19.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ tại Diễn đàn
Vòng quay tin tức không ngừng nghỉ suốt 24 giờ, và người dùng liên tục tiếp cận thông tin tiêu cực. Các thiết bị digital đóng vai trò phát tán tin tức tiêu cực từng giây từng phút, khiến công chúng có suy nghĩ rằng chẳng có gì tốt đẹp trên thế giới này. Tuy tin tiêu cực có thể đóng vai trò quan trọng là thông tin, cảnh báo và quy trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực, nó cũng gây tác động có hại với độc giả, chẳng hạn gây ra sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi, thậm chí lãnh cảm. Hậu quả là độc giả quay lưng với báo chí. Theo báo cáo 2022 của Reuters, tỷ lệ né tránh tin tức ở Brasil và Anh đã tăng gấp đôi kể từ 2017.
Khi mà niềm tin với truyền thông bị xói mòn và tình trạng né tránh tin tức cao chưa từng thấy, các cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do người dùng ồ ạt xa rời tin tức và tìm ra cách thu hút, tương tác và giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị coi là một trong những nguyên nhân chính, vì vậy báo chí phải xác định cách thức hoàn thành nhiệm vụ — đưa tin — mà không làm độc giả xa lánh.
Ông Lê Quốc Minh nêu “7 bí kíp” đối phó tình trạng né tránh tin tức: Nội dung đơn giản, ngắn gọn và hữu ích; Viết những bài liên quan đến con người và có sức nặng; Lắng nghe độc giả (và có hành động phù hợp); Quan tâm tới cộng đồng và xây dựng tòa soạn đa dạng sắc tộc; Tạo ra nhiều format thu hút tương tác hơn; Suy nghĩ lại về việc đưa tin chính trị (theo hướng xây dựng); Tìm kiếm giải pháp và mang lại hy vọng. Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp, theo đó các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng.
Ngoài ra, cần phải xem độc giả muốn gì và họ sẵn sàng trả tiền cho thông tin nào. Nhiều chuyên gia tin rằng báo chí xây dựng/báo chí giải pháp là chìa khóa. Lối làm báo truyền thống 5W (who, what where, when, why) được thay thế bằng “what now” và “how”.
Đồng thời, các nghiên cứu chỉ ra rằng báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của người tiêu dùng tin tức, thúc đẩy họ có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội, và khích lệ họ tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí. Cùng với đó, những cơ quan báo chí đang thử nghiệm nội dung tích cực hoặc những nội dung mang lại hy vọng và giải pháp thì nhận được những kết quả tích cực. Mặc dù tin tiêu cực thường được xem nhiều hơn, nhưng tin tích cực có thể khiến người dùng tăng tương tác hoặc trả phí, ông Minh cho hay.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ hiệu quả của Báo chí xây dựng: Ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; Trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; Không bị coi là báo chí chất lượng thấp; Thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; Gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; Tăng số “likes” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; Có thể thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo, vì thu hút sự chú ý nhiều hơn của độc giả.
Báo chí giải pháp đóng góp vào phát triển bền vững
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Bá – Tổng Biên tập báo VietNamNet cho biết, lợi ích của báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo đối với báo chí Việt Nam: Xây dựng lòng tin và hình ảnh tích cực; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; Định hướng dư luận một cách tích cực; Đóng góp vào phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá cũng nêu những thách thức đối với việc thực hiện báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo tại Việt Nam: Thứ nhất, thay đổi tư duy báo chí. Trong đó, việc chuyển đổi sang báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo đòi hỏi sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận và sản xuất nội dung.
Thứ hai, nguồn lực hạn chế. Cụ thể, để thực hiện tốt báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo đòi hỏi nguồn lực lớn mà không phải cơ quan báo chí nào cũng có sẵn.
Thứ ba là tính khách quan và toàn diện. Trong đó, báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo cần phải cẩn trọng để không bị thiên lệch, chỉ tập trung vào những câu chuyện thành công mà bỏ qua những thất bại và hạn chế của các giải pháp, cũng như tránh việc quá lạc quan hoặc né tránh các khía cạnh tiêu cực của vấn đề.
Về giải pháp để phát triển báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo tại Việt Nam. Ông Nguyễn Bá nêu cụ thể, đó là: Cần đào tạo và nâng cao nhận thức: Các cơ quan báo chí cần tổ chức các khóa đào tạo cho phóng viên, biên tập viên về các phương pháp báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo, giúp họ hiểu rõ hơn về các tiếp cận này và áp dụng vào công việc hàng ngày.
Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế; Phát triển các chuyên mục, chương trình riêng về các giải pháp xã hội, môi trường, kinh tế, và khuyến khích đối thoại cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả và tạo ra một kênh thông tin đáng tin cậy. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế đánh giá hiệu quả của báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo, bao gồm việc thu thập phản hồi từ độc giả và đánh giá tác động của các bài viết, sẽ giúp các cơ quan báo chí điều chỉnh và cải thiện nội dung theo thời gian.
Đòi hỏi trình độ chuyên môn làm báo rất cao
Thông tin tại Diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, ở góc độ chuyên môn, với các cấp độ của thông tin là việc đưa tin – thông tin sâu, cung cấp thêm dữ liệu – phân tích, bình luận dự báo sự kiện, thì có thể tạm gọi báo chí giải pháp là cấp độ khó cao nhất, đòi hỏi trình độ chuyên môn làm báo rất cao, phông kiến thức phong phú và đa dạng, khả năng tổng hợp và xử lý nhuần nhuyễn, sắc xảo.
Nếu tự nhìn vào khả năng sản xuất của các đơn vị báo chí thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam, cũng như mặt bằng thông tin hằng ngày trên báo chí nói chung, những tác phẩm báo chí được xếp vào báo chí giải pháp xuất hiện chưa nhiều, chưa có nhiều tác phẩm gây được ấn tượng và thực sự có ích với công chúng. "Vì sao? Vì chuyển từ phong cách chạy theo tin tức thông thường sang tổ chức những sản phẩm báo chí chuyên sâu, chuyên biệt là rất khó, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau", ông Hùng nói.
Cụ thể, theo ông Phạm Mạnh Hùng: Một là, nhận thức của toà soạn, ban biên tập, tổng biên tập. Theo đó, bất kỳ một tổ chức nào vai trò của người đứng đầu cũng quan trọng nhất, nhận thức của tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính giải pháp quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của toà soạn, từng thành viên ban biên tập.
Người lãnh đạo một khi đã nắm vững xu thế, nhuần nhuyễn yêu cầu của những sản phẩm báo chí giải pháp sẽ là người chuyển đổi nhanh nhất tư duy làm báo của cả đơn vị. "Chúng ta đã thấy được hiệu quả của rất nhiều toà soạn, xin lấy ví dụ từ báo giaoduc.net. Ở Đài Tiếng Nói Việt Nam, trong vài năm trở lại đây chúng tôi cũng đang hướng về chuẩn bị các kết luận giao ban, định hướng sản xuất của các loại hình báo chí, gợi mở các vấn đề cần bàn, cần ưu tiên thảo luận khi các điểm nóng về chính trị, kinh tế xã hội trong nước và thế giới xuất hiện", ông Hùng cho biết.
Thứ hai, trình độ của phóng viên, biên tập viên và những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nội dung. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, không nên hiểu hoặc đánh đồng những tác phẩm báo chí có tính giải pháp với các công trình nghiên cứu khoa học, các bài luận khô khan. Báo chí suy cho cùng vẫn là những câu chuyện có thật được trình bày một cách hấp dẫn. Một tác phẩm báo chí cũng không nên có tham vọng giải quyết được tất cả các vấn đề, các nhà báo chỉ là những người trình bày, gợi mở những hướng ra từ kết quả thu thập xử lý thông tin, phỏng vấn các nhân vật.
Thứ ba là nguồn lực tài chính, công nghệ. Thứ tư là chính sách, vấn đề bản quyền.
Cuối cùng, theo ông Phạm Mạnh Hùng, để báo chí giải pháp phát triển cần giải quyết vấn đề cơ chế, tài chính. Trong đó, có cơ chế đặt hàng, đấu thầu, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền trên báo điện tử
Theo ông Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí giải pháp là một hướng tiếp cận trong lĩnh vực báo chí, tập trung vào việc tìm kiếm và trình bày các giải pháp khả thi cho những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội thay vì chỉ nêu lên vấn đề hoặc những thông tin chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng.
Mục tiêu của báo chí giải pháp là mang đến cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về những vấn đề mà con người và xã hội đang phải đối mặt. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của của xã hội. Báo chí xem các vấn đề đó cần có sự tham gia của mình, đặc biệt là trong việc đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề nêu ra. Việc triển khai báo chí giải pháp tất nhiên cũng đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động từ phía các cơ quan báo chí và phóng viên, từ đó giúp báo chí giải pháp phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều giá trị cho xã hội.
Thứ nhất, cần nhận thức, đánh giá đúng ý nghĩa, vai trò, giá trị của báo chí giải pháp; xác định đây là trách nhiệm của báo chí và nghĩa vụ của người làm báo. Làm tốt điều này, báo chí mới tròn sứ mệnh với quốc gia, dân tộc, đồng thời, đó cũng là con đường để báo chí phát triển lớn mạnh hơn trong thời đại số.
Thứ hai, trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của báo chí giải pháp, các cơ quan báo chí cần thực hiện một số biện pháp, như khuyến khích văn hóa làm báo giải pháp; có kế hoạch, lộ trình đào tạo chuyên sâu để nhà báo hiểu rõ cách tiếp cận và triển khai thể loại báo chí này. Đồng thời, có sự đầu tư thích đáng về nguồn lực để phát triển báo chí giải pháp.
Thứ ba, mỗi nhà báo cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp cận và thực hiện hướng đi của báo chí giải pháp với tinh thần, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết lớn. Từ đó, vượt qua khó khăn, thách thức của một xu hướng báo chí có những điểm khác biệt với báo chí truyền thống; không ngừng học hỏi về nghiệp vụ để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần xây dựng một nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại trong kỷ nguyên số.
Báo chí ngày càng thể hiện được vai trò đồng hành với Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề thiết thực, cần kíp của xã hội, của đất nước.
Báo chí giải pháp là nguồn cảm hứng cho hành động
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cho rằng, báo chí giải pháp có thể hiểu là bên cạnh các hoạt động phản ánh, phê phán, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện thay vì chỉ nêu lên vấn đề mà không có đầu có cuối. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của đất nước, của xã hội.
Đi vào cụ thể, Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng chỉ rõ đặc điểm của báo chí giải pháp thường thể hiện ở những yếu tố chính: Cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí; người làm báo đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp khả dĩ nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra của xã hội; khi phản ánh hay phê phán, báo chí luôn đặt ra trách nhiệm của mình tham gia vào giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề đó; vận động, kêu gọi công chúng báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung tham gia vào về việc đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề cụ thể; báo chí trực tiếp thực hiện các giải pháp đối với một số vấn đề phù hợp với năng lực, điều kiện của mình…
"Báo chí giải pháp không chỉ là công cụ cung cấp thông tin mà còn là nguồn cảm hứng cho hành động. Khi một vấn đề được đưa ra kèm theo các giải pháp cụ thể, công chúng không chỉ nhận thức được sự tồn tại của vấn đề mà còn có thể thấy cách mà vấn đề đó có thể được giải quyết. Điều này khuyến khích các cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia vào việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp", ông Hưng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo là những nội dung được công chúng và các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, từ sự định hướng của các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh và phát triển báo chí giải pháp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.