Công ty quây núi đá trên Vịnh Hạ Long thành "hòn non bộ" là ai?
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc một núi đá trên Vịnh Hạ Long bị quây lại như một hòn non bộ, hàng ngay nhiều lượt xe tải chở đất đá nối đuôi nhau chạy trên đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, thực hiện việc san lấp.
Được biết hòn núi đá này thuộc dự án khu đô thị tại khu 10B, được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2021. Hiện dự án này đã đổ đất kéo một con đường dài hơn 1km tính từ đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả ra phía biển.
Được biết, dự án 10B của công ty TNHH Đỗ Gia Capital. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.232 tỷ đồng và hiện đang rầm rộ thi công. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ cuối năm 2021.
Một tỉnh miền Bắc thu hút hơn 2 tỉ USD từ doanh nghiệp Nhật
Tại buổi làm việc với Phòng Công nghiệp và Thương mại Nagahama (Nhật Bản) ngày 3/11, UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 120 doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD.
Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, với các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào Hà Nam có thể làm việc với đại diện Japan Desk tại Hà Nam để hiểu thêm về môi trường đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi, thủ tục…
Ngoài sự hợp tác về kinh tế, tỉnh Hà Nam cũng có sự hợp tác chặt chẽ về văn hóa, thể thao với các địa phương của Nhật Bản. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng mong muốn đoàn công tác nghiên cứu, xem xét đầu tư vào các lĩnh vực khác của tỉnh như giáo dục, y tế, văn hóa…
Đền bù thành công ngôi nhà nằm "chình ình" giữa tuyến đường 1.900 tỷ nối liền 23 xã
Dự án xây dựng tuyến đường giao thông liên vùng, nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B và Quốc lộ 32C từ tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái với tổng mức đầu tư lên đến 1.900 tỷ đồng. Tuyến đường được quy hoạch thành đường cấp III miền núi, đi qua 23 xã thuộc 03 huyện: Tam Nông, Cẩm Khê, và Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, đoạn qua xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê mấy năm qua vẫn chình ình một số công trình nhà, đất nằm giữa tim đường. Trong số đó có nhà của gia đình ông Đỗ Hải Lý.
Phải sau nhiều thời gian, nhiều lần vận động, thuyết phục, địa phương phải cam kết cấp giấy chủ quyền đất mới chậm nhất 30/6/2024, thì gia đình mới đi đến thỏa thuận, nhận tiền đền bù, hỗ trợ, ký các loại giấy tờ làm cơ sở để giải phóng mặt bằng, giao cho dự án làm đường.
Đại lộ nghìn tỷ trung tâm Thủ đô trở thành nơi buôn bán hoa quả, bãi gửi xe tải nối dài
Đại lộ Chu Văn An đi qua quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì (Hà Nội) với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, có chiều dài hơn 2,5 km. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Xiển (thuộc Vành đai 3), điểm cuối nối với đường Cầu Bươu (đường 70 lối vào khu đô thị Xa La).
Tuyến đường được đưa vào sử dụng năm 2020. Mục tiêu nhằm giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực Tây Nam Hà Nội, đặc biệt là các tuyến đường Nguyễn Xiển, Xa La, Phan Trọng Tuệ, Cầu Bươu, nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến…
Song thời gian qua, một số làn đường tại tuyến đường này biến thành nơi tập kết của xe tải để vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng,...
Nhiều người đi ngược chiều để thuận tiện cho việc gửi, nhận hàng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ngoài tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để làm nơi tập kết, vận chuyển hàng hóa, hàng chục gốc cây trên đại lộ này còn là nơi treo biển quảng cáo cho các nhà xe.
CapitaLand vừa thực hiện một trong những giao dịch bất động sản lớn nhất Đông Nam Á
CapitaLand Development (CLD) đã công bố dự án căn hộ cao cấp Lumi Hanoi. Dự án sẽ được xây dựng trên khu đất gần 5,6ha tại khu vực được quy hoạch bài bản ở phía tây Hà Nội, liền kề với các tiện ích như công viên, trường học, trung tâm thương mại, cơ sở y tế và trung tâm hành chính mới…
Đây là một phân khu thuộc một dự án khu vực phía Tây Hà Nội đã được tách ra khỏi dự án của một chủ đầu tư từ cuối năm 2021 thông qua quyết định của UBND TP Hà Nội. Khi đó, bên nhận chuyển nhượng là Công ty Ánh Sao, một doanh nghiệp trong nước.
Dự án này bổ sung vào danh mục đầu tư của CapitaLand tại Việt Nam bao gồm 1 khu bán lẻ, 1 dự án mô hình soho – dòng sản phẩm kết hợp văn phòng làm việc và chỗ nghỉ ngơi, 2 dự án phức hợp và hơn 16.000 căn hộ chất lượng tại 17 dự án nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM.
Cập nhật tiến độ "giải cứu" 2 dự án của Novaland tại Đồng Nai và Bình Thuận
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có văn bản xác nhận 752 căn nhà ở thấp tầng thuộc một phần khu I và V tại dự án Aqua City đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho 37 căn nhà thấp tầng khác thuộc Aqua City đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL), UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép chủ đầu tư được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt để thực hiện đầy đủ cam kết với khách hàng.
Bên cạnh đó, đại diện NovaWorld Phan Thiết cho biết, đến nay đã hoàn tất điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ các hạng mục cho cả dự án.
Khu dân cư tiền tỷ của Trần Anh Group có dấu hiệu lừa đảo
Dự án khu dân cư Bella Vista do CTCP Hồng Đạt – Long An (Công ty Hồng Đạt) là chủ đầu tư và CTCP Tập đoàn Trần Anh Long An (Trần Anh Group) là đơn vị phát triển phân phối dự án.
Theo tìm hiểu, vào ngày 1/6/2016, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Trần Anh Long An, đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số C01-27/HDCN-2016 cho khách hàng với dự án khu đô thị Bella Vista tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Một người dân đã mua lô đất 100m2 với giá hơn 400 triệu đồng (thanh toán 95% giá trị đất cho chủ đầu tư) vào năm 2016 tại dự án khu dân cư Bella Vista. Tuy nhiên đến nay đã gần chục năm trôi qua mà vẫn chưa được cầm sổ đỏ trong tay.
Còn chị L, mua sang tay dự án với giá hơn 700 triệu đồng với hi vọng xây nhà định cư cho các con nhỏ và ba mẹ già. Để mua được miếng đất trên, chị L đã gom góp tiền tiết kiệm thậm chí cả việc vay mượn, nhưng đến nay vẫn chưa có sổ.
Nắm bắt được thực trạng trên, luật sư cho rằng Nguyễn Phước Vẹn, việc phát triển và tiến hành giao dịch bất động sản phải tuân theo các quy định và quy trình của pháp luật để đảm bảo tính hợp pháp.
Nửa năm có “phao cứu sinh” thị trường vẫn rối như tơ vò, "huyệt tử thần" nào cầm chân condotel?
Gần 6 tháng kể từ khi Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (Nghị định 10) có hiệu lực từ ngày 20/5 như một sự "cởi trói" cho loại hình condotel, đến nay vẫn còn khoảng 10.000 căn hộ officetel, condotel trên địa bàn TP.HCM chưa được cấp quyền sở hữu (sổ đỏ).
Để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có báo cáo xin ý kiến Bộ TN&MT về việc xác định nghĩa vụ tài chính và thời hạn sử dụng ghi trên sổ đỏ đối với diện tích nhà, đất sử dụng làm officetel, officetel, shophouse.
Cụ thể, tại văn bản này, phía TP.HCM đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn với trường hợp chủ đầu tư bán phần diện tích được cơ quan có thẩm quyền công nhận với mục đích sử dụng là thương mại, dịch vụ (khách sạn, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú...) cho người mua với mục đích để ở, thì khi xem xét cấp sổ đỏ cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có phải xác định giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính bổ sung hay không…
Một trong những khó khăn hiện tại, theo đại diện Sở Xây dựng Khánh Hòa, là bởi Nghị định 10 cho phép người mua các công trình như căn hộ - khách sạn, officetel, condotel trên đất thương mại, dịch vụ được đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ chuẩn chung.
Nhiều công trình vi phạm tại khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 bị "phù phép" thành nhà xưởng, công ty
Hiện nay, các công trình của Khu đô thị Thanh Hà do nhà đầu tư thứ phát, người dân xây dựng; các nhà xưởng - nhà kho tạm, tự chuyển đổi sang công trình thương mại, dịch vụ; trụ sở công ty xây dựng tạm trên đất cây xanh...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây đã có chỉ đạo về việc xử lý vi phạm tồn tại của Khu đô thị Thanh Hà A, B - Cienco 5 tại huyện Thanh Oai và quận Hà Đông.
Theo đó, nhiệm vụ tham mưu, báo cáo UBND TP việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các khu đô thị Thanh Hà A, B-Cienco 5 đã được UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tại thông báo số 279 ngày 13/6/2023 của Văn phòng UBND TP.
Đến nay, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được UBND TP giao chậm; sự phối hợp của các đơn vị liên quan chưa kịp thời.
Danh tính đại gia bí ẩn Hà Nội đấu giá thành công khu "đất vàng" Thủy Tạ
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu giá cho thuê nhà hàng Thủy Tạ (phường 1, TP Đà Lạt) thời hạn 10 năm.
Cụ thể, người thắng đấu giá thuê khu đất vàng này là ông Đoàn Hải Hà đến từ Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội với mức giá thuê 15,150 tỷ đồng/năm, tổng tiền thuê trong 10 năm là 151,5 tỷ đồng, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Theo UBND tỉnh, giá khởi điểm cho thuê nhà hàng Thủy Tạ là 3,04 tỷ đồng/năm nhưng được thắng đấu giá đến 15,150 tỷ đồng. Cuộc đấu giá trải qua 63 bước giá với số tiền tăng thêm hơn 12,1 tỷ đồng. Tổng cộng giá thắng gấp 5 lần so với giá khởi điểm.
Liên quan đến người thắng đấu giá, ông Đoàn Hải Hà hiện đang ở khu dân cư tổ dân phố tại ngõ 280 đường Cổ Nhuế 2 và chung cư OTC - khu đô thị Hà Nội Resco. Hiện ông Hà là người kinh doanh tự do.