Địa phương được mệnh danh là Việt Nam thu nhỏ có gì hấp dẫn mà hút 10 triệu lượt khách, thu gần 30 nghìn tỷ từ du lịch?

Vị trí đặc biệt cùng lợi thế về thiên nhiên vừa có biển, sông, núi khiến nơi đây trở thành thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam.

Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ. Trước đây, địa phương này chủ yếu dựa vào việc khai thác than đá, nhưng nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh vươn lên như một điểm đến ấn tượng, trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam.

Quảng Ninh được mệnh danh là Việt Nam thu nhỏ khi có đủ các loại địa hình từ vùng núi, trung du, đồng bằng ven biển, biển và hải đảo. Với vị trí địa lý này, Quảng Ninh không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà hàng triệu khách quốc tế cũng đến và dành lời khen ngợi cho khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Du lịch Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, trong 7 tháng năm 2024, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đón gần 13 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có trên 2,2 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với lượng khách quốc tế cả năm 2023. Khách lưu trú đạt trên 4,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 29,3 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Lễ hội Carnaval Hạ Long năm 2024. Ảnh: Đỗ Phương/Báo Quảng Ninh

Ngay sau đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã nỗ lực phục hồi và vươn lên một cách mạnh mẽ. Với cách làm sáng tạo, đổi mới, định hướng đúng đắn và tầm nhìn dài hạn, tỉnh đã ban hành hàng loạt các giải pháp đồng bộ giúp ngành du lịch và dịch vụ từng bước phục hồi và tăng trưởng bứt phá, dần lấy lại vị thế ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh.

Minh chứng là năm 2023, Quảng Ninh đã thu hút trên 15 triệu lượt du khách, trong đó có trên 2 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch ước đạt trên 33.000 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 7 tháng năm 2024, lượng khách đến Quảng Ninh vẫn có sự phát triển vượt bậc, đạt doanh thu ấn tượng, là một trong những địa phương có doanh thu du lịch cao nhất Việt Nam.

Bay dù lượn gắn động cơ trên biển Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương/Báo Quảng Ninh

Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2024, mục tiêu là đón 19 triệu lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tổ chức 92 chương trình, sự kiện và hoạt động kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, 37 sản phẩm du lịch mới sẽ được giới thiệu và khai thác.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến các tuyến du lịch đường biển, bao gồm việc mở tuyến từ thành phố Bắc Hải và thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đến thành phố Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam). Đồng thời, thúc đẩy tuyến du lịch đường biển từ Hải Nam đến Hạ Long. Những nỗ lực này nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa, góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Nỗ lực phát huy lợi thế

Nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến những lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh có vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ hội nhập thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, điểm nút giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, thế giới. Chính vì thế, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và quốc tế được chú trọng phát triển, xây dựng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Tỉnh sở hữu tuyến cao tốc dài nhất và hiện đại nhất cả nước, 2 cảng tàu khách quốc tế, 1 sân bay quốc tế hiện đại. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam do tư nhân đầu tư với tiêu chuẩn cấp 4E, công suất nhà ga trong giai đoạn I có thể khai thác 2,5 triệu hành khách/năm; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long chuyên biệt đón khách du lịch quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

Với hệ thống giao thông thuận tiện, khách đến với Quảng Ninh có thể lựa chọn nhiều phương tiện như bay charter hạ cánh tại Sân bay Vân Đồn hay bằng tàu biển tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Với giao thông đồng bộ, khách đến đây không cần đi theo tour vẫn dễ dàng tự mình khám phá Quảng Ninh.

Nhiều hành trình tham quan vịnh Bái Tử Long sẽ được xuất phát từ Bến cảng cao cấp Ao Tiên, huyện Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, giao thông và cơ sở hạ tầng, Quảng Ninh còn sáng tạo, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ và hấp dẫn. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Quảng Ninh đã tổ chức hàng chục chương trình, sự kiện, sản phẩm hấp dẫn, đổi mới, đa dạng như: Carnaval 2024 - Bừng sáng cùng kỳ quan; Lễ hội bia và chả mực, xác lập kỷ lục "Chả mực to nhất Việt Nam"; Liên hoan lân, sư, rồng; Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn; biểu diễn xiếc đường phố; chương trình Chào hè miền Sán Cố xã Quảng An…

Chính vì thế, trong 5 ngày nghỉ lễ, Quảng Ninh đón hơn 1,018 triệu lượt, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 2.210 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng quảng bá và giới thiệu trên các nền tảng số, mạng xã hội như Facebook, TikTok… giúp du khách có nhiều cơ hội tiếp cận và tìm hiểu.

Du thuyền Grand Pioneers với "Hành trình di sản" là một trong những sản phẩm tiên phong khai thác hành trình tham quan kết nối Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Xác định rõ thị trường mục tiêu, thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch mạnh mẽ

Trong năm 2024, ngoài khách đến từ các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... du khách Ấn Độ cũng là điểm nhấn quan trọng đối với du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng. Du khách Ấn Độ dành sự quan tâm lớn đến du lịch Việt Nam với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, văn hóa, ẩm thực đặc sắc, chi phí du lịch cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Với Quảng Ninh, nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, đặc biệt là Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Danh thắng Yên Tử… cùng với đó là những nét văn hóa độc đáo, ẩm thực đa dạng. Chính vì thế, vài năm trở lại đây, ngoài khôi phục những thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống, tỉnh cũng xác định Ấn Độ là thị trường mới nổi, giàu tiềm năng để khai thác.

Du thuyền trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Năm 2022, sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để xúc tiến du lịch và nối lại các thị trường khách quốc tế truyền thống. Tỉnh cũng đã mở rộng chiến lược khai thác các thị trường mới đầy tiềm năng, trong đó có Ấn Độ.

Quảng Ninh đã đón đoàn hơn 200 du khách Ấn Độ đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Sau đó, tỉnh tiếp tục đón đoàn khảo sát gồm các hãng lữ hành, hàng không và truyền thông hàng đầu từ Ấn Độ. Đây là đoàn khảo sát đầu tiên của phía Ấn Độ đến Quảng Ninh sau đại dịch, nhằm tìm hiểu các điểm đến và dịch vụ du lịch tại địa phương.

Ngoài việc đón khách du lịch, các điểm đến ở Quảng Ninh cũng đã thu hút nhiều đoàn tỷ phú Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm và tổ chức các sự kiện đặc biệt như lễ cưới. Những nỗ lực này không chỉ giúp tỉnh quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của mình mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế trong ngành du lịch.

Lãnh đạo Sở Du lịch tặng hoa chào mừng đoàn Famtrip Ấn Độ đến Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Từ ngày 29/8 đến ngày 3/9 tới đây, Quảng Ninh dự kiến sẽ đón đoàn khoảng 6.000 khách du lịch Ấn Độ đến tham quan Hạ Long. Đây là một trong những đoàn khách Ấn Độ đông nhất đến Hạ Long từ trước đến nay và thuộc phân khúc chi tiêu cao.

Đoàn khách này không chỉ mang đến cơ hội lớn cho ngành du lịch địa phương mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thông tích cực, quảng bá hình ảnh du lịch Hạ Long - Quảng Ninh một cách rộng rãi. Sự kiện này được coi là bước đệm quan trọng để thu hút các đoàn khách số lượng lớn và có mức chi tiêu cao từ Ấn Độ trong tương lai.

TIN LIÊN QUAN