Mới đây, ngày 25/10/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký Công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên cổng thông tin điện tử.
Trước đó, ngày 2/3/2021, Bộ Xây dựng có Văn bản số 854/BXD-QHKT về việc đề nghị các địa phương đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (www.quyhoach.xaydung.gov.vn).
Hiện nay, mặc dù nhiều địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.
Cụ thể, cả nước có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Tuy nhiên vẫn còn 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải. Thậm chí, nhiều địa phương đăng tải với số lượng rất hạn chế chỉ với 1 đồ án quy hoạch như: An Giang, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bến Tre, Cao Bằng, Nghệ An, Sơn La…
Trên thực tế, những động thái của Nhà nước hay địa phương về quy hoạch…trong thời gian vừa qua đều đã và đang bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá đất tạo các cơn sốt đất ảo. Cụ thể nhất là việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc, Cần Giờ. Mỗi lần địa phương đề xuất điều chỉnh và được Chính phủ phê duyệt thì bất động sản các khu vực này cũng điều chỉnh giá bán theo chiều hướng tăng cao hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, những khu vực có quy hoạch trung dài hạn thì sốt đất xảy ra là do sự kỳ vọng của nhà đầu tư giá đất tăng theo cơ sở hạ tầng là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi quy hoạch chưa công bố rõ ràng, cùng với sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch liên tục thì đó là cơ sở để giới đầu cơ tạo ra các cơn sốt ảo. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người tham gia mua bán bất động sản. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo, mạo danh, rao bán những bất động sản vốn không phải của mình…